Tháo nút thắt hỗ trợ giúp doanh nghiệp thoát cảnh bấp bênh
Từ năm 2020, Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn. Trong đó, các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có trao đổi nhanh với phóng viên Vuasanca về vấn đề này.
Doanh nghiệp đang hết sức khó khăn |
Xin ông cho biết quan điểm về các nút thắt làm chậm tiến độ và chưa hiệu quả của công tác triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?
Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã trở thành biến cố bất ngờ nhất đối với nền kinh tế toàn cầu; trong đó, có Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, bao gồm các gói hỗ trợ về tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội… Như, Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch... cùng nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn và triển khai thực hiện ở từng lĩnh vực cụ thể, từng bộ, ngành và địa phương trên khắp cả nước.
Việc ra đời và triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, thể hiện sự quan tâm và quyết liệt trong thực hiện mục tiêu kép đó là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách trong thực tế thì đến nay những mục tiêu đề ra là chưa hiệu quả như mong muốn. Điểm nghẽn ở đây chính là khâu thiết kế thực hiện chính sách còn nhiều vấn đề vướng mắc; cách thức tổ chức, triển khai chính sách còn cồng kềnh chưa phù hợp với thực tiễn, từng doanh nghiệp, người lao động cần hỗ trợ. Đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo…tạo thành nút thắt cản trở cơ hội thụ hưởng trong bối cảnh cần tiếp sức nhanh của doanh nghiệp, người dân.
Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam |
Vậy, để sớm hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khủng hoảng, giải pháp cần kíp trong việc triển khai các gói chính sách hỗ trợ là như thế nào, theo ông?
Trước thực tế triển khai các gói chính sách từ năm 2020, Chính phủ cần có một đánh giá tổng thể, mặt được và chưa được để đưa ra các giải pháp cải thiện kịp thời. Mặt khác, xem xét xây dựng để chuẩn bị cho gói hỗ trợ mới trên cơ sở đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện tại đặt ra. Bởi, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mức độ nguy hiểm hơn, quy mô rộng hơn mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp phòng chống quyết liệt, song ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động kinh tế rất nặng nề, làm suy giảm nhịp kinh doanh của doanh nghiệp. Và cho đến hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động đang trong giai đoạn thật sự bấp bênh.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ chính sách xây dựng phải tương đối đa dạng, ngoài hỗ trợ tài khóa về thuế, giãn, hoãn thuế cần có thêm những gói chính sách mới với điều kiện tiếp cận rộng hơn, nhanh hơn, thủ tục cần đơn giản hơn để vực dậy hoạt động của doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cân nhắc các điều kiện hỗ trợ, tránh sai lầm từ các quy định không sát thực tế. Mặt khác, chúng ta phải xây dựng chính sách có tính trung hạn như hỗ trợ khả năng tiếp cận tín dụng hay điều chỉnh chính sách phù hợp với khách quan của dịch bệnh như điều kiện của chính sách nợ xấu tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, theo ông sẽ ảnh hương như thế nào đến tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm?
Trong thời điểm hiện nay còn khá sớm để đưa ra một dự báo cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm khi dịch Covid-19 vẫn có những ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế. Thực tế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang rất ảm đạm, nhất là một số lĩnh vực như dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng, giao thông vận tải; các chuỗi bán lẻ; khu vực trung tâm văn hóa, giải trí… Song không vì thế mà bi quan về bức tranh tăng trưởng, bởi vẫn có nhiều điểm sáng về phát triển nếu chúng ta duy trì được tốc độ xuất khẩu thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và những doanh nghiệp là vệ tinh hỗ trợ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến thị trường nội địa, đây sẽ là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế trong đại dịch. Theo đó, chúng ta phải thúc đẩy các giải pháp để lưu thông hàng hóa; tích cực cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, nếu chúng ta quyết liệt trong cải cách, không chỉ tiếp sức cho doanh nghiệp trong đại dịch mà còn tạo sức bật cho doanh nghiệp trở lại hoạt động, duy trì sản xuất khi dịch được khống chế thành công. Đặc biệt, giải pháp mang tính then chốt đó là đẩy nhanh tiến độ tiêm vắcxin Covid-19 - đây sẽ là tiền đề căn cơ cho cơ hội phát triển kinh tế, xã hội.
Xin cảm ơn ông!
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).