Da giày là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt gần 15 tỷ USD và đứng trong top đầu các quốc gia có giá trị xuất khẩu da giày lớn nhất thế giới. Để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho ngành da giày nhất là sau 2 năm nữa Hiệp định TPP chính thức được thực hiện, đòi hỏi ngành da giày phải nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, vấn đề thiết bị, công nghệ - nguồn nhân lực và quy trình hệ thống quản lý về chất lượng đang được xem là rào cản cho sự phát triển của ngành.
Theo ông Nguyễn Hải Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Da - Giày, Bộ Công Thương, trong khi các nước châu Á, Trung Quốc không ngừng lên kế hoạch áp dụng tự động hóa trong sản xuất da giày (đơn cử như Nike, Adidas… đã tính đến chuyện sử dụng robot vào lắp ráp giày dép) thì các DN Việt Nam có tốc độ hiện đại hóa thiết bị máy móc, chuyển đổi công nghệ mới còn chậm; khả năng chế tạo thiết bị máy móc và chuyển giao công nghệ cho ngành da giày trong nước còn hạn chế. Đây là một hạn chế rất lớn, cần phải sớm khắc phục để tăng năng suất lao động cũng như giá trị gia tăng cho ngành da giày.
Ngành da giày Việt Nam cũng đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực thuộc da và thiết kế. Trong hàng trăm trường đại học và cao đẳng trên cả nước thì chỉ có một số trường là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành da giày nhưng các trường này cũng rất khó tuyển sinh. Hiện tại lao động trong các doanh nghiệp sản xuất giày da chủ yếu là do các doanh nghiệp tự đào tạo hoặc được đào tạo ở nước ngoài.
Trong khi trình độ công nghệ của ngành da giày Việt Nam đang ở mức trung bình và trung bình khá (tập trung ở các doanh nghiệp có vốn FDI), quy trình sản xuất mới đang được cơ giới hóa mà chưa đạt tới trình độ tự động hóa, khả năng đầu tư vào chuyển giao công nghệ mới bị hạn chế bởi nguồn tài chính hạn hẹp thì một vấn đề khó khăn nữa mà các DN hiện cũng đang gặp phải đó là rào cản về quy trình hệ thống quản lý chất lượng. Hiện tại các doanh nghiệp sản xuất hàng da giày nội địa chưa theo một quy chuẩn cụ thể, khiến chất lượng giày dép nội không đồng đều, rất khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập giá rẻ. Thêm vào đó, việc kiểm soát an toàn về hóa chất tồn dư trong sản phẩm do còn thiếu các trung tâm kiểm định đủ điều kiện nên không kiểm soát được chất lượng nguyên phụ liệu đầu vào. Do vậy nhiều doanh nghiệp đã phải gửi mẫu sang các trung tâm kiểm nghiệm ở nước ngoài để đánh giá và đảm bảo chất lượng. Điều này đã làm gia tăng chi phí sản xuất cũng như mất nhiều thời gian cho các doanh nghiệp.
Để tháo gỡ khó khăn trên, theo ông Nguyễn Hải Trung rất cần có vai trò hỗ trợ tích cực và hiệu quả của nhà nước nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực đầu tư thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất, phát triển thị trường, đào tạo nguồn nhân lực cũng như hoàn thiện hệ thống quy trình quản lý về chất lượng cho ngành da giày.