Thất nghiệp có xu hướng giảm
Tỷ lệ thất nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực |
Tăng trưởng kinh tế quý II thấp hơn quý I/2018 nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước đã tác động tích cực tới thị trường lao động với nhiều điểm sáng. Khảo sát của Bộ LĐTB&XH cho thấy, cả nước có 1.061,5 nghìn người trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 5,6 nghìn người so với quý I/2017 và 20,1 nghìn người so với quý II/2017. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm nhẹ, còn 2,19%. Số người thất nghiệp dài hạn (12 tháng trở lên) chiếm 34,93% tổng số người thất nghiệp.
Số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên, giảm còn 126,9 nghìn người, giảm 15,4 nghìn người so với quý I/2018; tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 2,47%. Nhóm trình độ cao đẳng có 70,8 nghìn người thất nghiệp, giảm 18 nghìn người so với quý I/2018; tỷ lệ thất nghiệp nhóm này giảm còn 3,82%, nhưng vẫn ở mức cao nhất. Trong khi đó, nhóm trình độ “sơ cấp nghề” tăng 3,5 nghìn người so với quý I/2018, với 23,6 nghìn người và tỷ lệ thất nghiệp tăng 1,31%.
Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - đánh giá, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng lên nhưng ở mức nhỏ. Bên cạnh đó, thất nghiệp ở nhóm trình độ sơ cấp chỉ tăng hơn 3.000 người, nhưng nhóm trình độ cao đẳng giảm 18.000 người cho thấy, bức tranh chung về tỷ lệ thất nghiệp giảm đi. Về tình hình thiếu việc làm, theo công bố lao động trong độ tuổi giảm cả về số lượng và tỷ lệ so với quý I/2018, với 677 nghìn lao động trong độ tuổi thiếu việc làm, giảm 41,2 nghìn người so với quý I/2018 và 79 nghìn người so với quý II/2018. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 1,43%, trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,82%, khu vực thành thị là 0,65%. Mặt khác, trong tổng số người thiếu việc làm, có 85,02% lao động nông thôn; 71,99% làm việc trong ngành nông - lâm - thủy sản.
Nhận định về triển vọng thị trường lao động thời gian tới, ông Đào Quang Vinh cho hay, quý III/2018 với những nỗ lực của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, nhằm thúc đẩy tăng trưởng sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018. Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2018 sẽ là trên 7%. Đặc biệt, các hiệp định thương mại thế hệ mới được ký kết kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời xu hướng ứng dụng khoa học - công nghệ trong doanh nghiệp sẽ là những yếu tố tác động đến cấu trúc thị trường lao động.
Với nhận định lạc quan đó, Bộ LĐTB&XH dự báo, quý III/2018, tổng số lao động có việc làm sẽ đạt khoảng 54,26 triệu người, tăng 237 nghìn người (0,44%) so với quý II/2018 và tăng 0,91% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, một số ngành tiếp tục tăng nhu cầu lao động với mức tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất đồ uống, dệt, in, sao chép bản ghi các loại, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; thoát nước và xử lý nước thải. Một số ngành dự báo nhu cầu lao động sẽ giảm là nông - lâm - thủy sản, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất xe có động cơ...
Quý II/2018, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là ở vùng Đông Nam bộ (2,84%), tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long (2,62%); tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở vùng Trung du miền núi phía Bắc (1,07%) và Tây Nguyên (1,37%). |