Quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam tại Úc.
CôngThương - Ông Trần Ngọc An- nguyên đại sứ Việt Nam tại Phần Lan, cho biết, khách Bắc Âu có nhu cầu tìm hiểu về Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, cẩm nang, tờ rơi giới thiệu về các điểm đến tiêu biểu, các sản phẩm du lịch ở Việt Nam bằng tiếng nước ngoài còn rất ít. Nhiều chương trình giao lưu văn hóa, du lịch ở nước ngoài phải lấy thông tin về du lịch Việt Nam trên mạng, in màu rồi phô tô mới có thể đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của khách hàng về các điểm đến của Việt Nam.
Chính vì quảng bá yếu và chưa chú trọng các thị trường tiềm năng, cho nên dù có sự tăng trưởng về khách và doanh thu nhưng lãnh đạo ngành du lịch vẫn đánh giá kết quả này chưa xứng với tiềm năng. Ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận, nguyên nhân của thực trạng xúc tiến, quảng bá chưa hiệu quả là do đội ngũ làm công tác này yếu kém, khả năng huy động các nguồn lực, xã hội hóa còn hạn chế. Đặc biệt rào cản lớn là từ nguồn kinh phí. “Ngân sách cho Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia năm 2012 là 32 tỷ đồng, so với ngân sách của các nước trong khu vực là quá ít ỏi, vì thế nên chưa tạo được hiệu ứng kích cầu đi du lịch Việt Nam tại thị trường mục tiêu”- ông Tuấn cho hay.
Ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam cho rằng, việc cắt giảm ngân sách cho xúc tiến du lịch đã ảnh hưởng lớn đến công tác xúc tiến quảng bá. Với những đồng tiền ít ỏi đó, quan trọng lúc này là chúng ta phải biết cách sử dụng như thế nào cho hiệu quả.
Với hướng đi này, Bộ VHTT-DL cũng đã chỉ ra nhiều cách để cho hoạt động này phát huy hiệu quả. Trong đó, nhấn mạnh công tác xúc tiến du lịch sắp tới cần lấy hiệu quả làm đầu, triển khai chuyên nghiệp, có tính tổ chức chứ không phải mở hội linh đình là đạt mục đích. “Việc xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài không nhất thiết phải trưng ra những gì quá to tát như kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch hay du lịch Việt Nam đã đón bao nhiêu khách trong thời gian qua, tăng trưởng thế nào, mà hãy cho họ thấy đến Việt Nam họ sẽ được xem gì, chơi gì, có những gì thú vị mà nơi khác không có được”- ông Trần Ngọc An nói.
Còn ông Lưu Thanh Bình- Phó cục trưởng Cục Hàng không- cho rằng, chúng ta nên thay đổi tư duy quảng bá du lịch. Đừng bao giờ nghĩ làm thế nào để thu được một đồng ngày hôm nay, mà hãy nghĩ làm thế nào để thu được mười đồng trong ngày mai.
Mặt khác, theo xu hướng kết nối nhiều điểm đến, các địa phương không thể đơn lẻ mang sản phẩm du lịch đi giới thiệu. Vì thế, bà Nguyễn Thị Hồng- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM- đề xuất, các địa phương nên phối hợp, liên kết chặt chẽ nhằm xây dựng những dấu ấn trong quáng bá điểm đến, cách làm này sẽ giúp giảm chi phí, mang lại hiệu quả cao cho địa phương. Bà Hồng cho biết, TP.HCM đã liên kết với các địa phương khác để giới thiệu sản phẩm du lịch thú vị mang tính liên vùng như đường hoa Nguyễn Huệ, Liên hoan Ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam bộ… Với cách làm này mà ngành du lịch TP.HCM đã tăng trưởng trung bình hơn 20% năm, doanh thu từ du lịch chiếm gần 44% tổng doanh thu du lịch của cả nước.