Hình thành nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ của công nghiệp 4.0
Thông tin về Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” (KC-4.0/19-30), Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có 49 nhiệm vụ đã được ký hợp đồng và triển khai (trong đó có 36 nhiệm vụ đang thực hiện; 9 nhiệm vụ đã tổ chức nghiệm thu cấp nhà nước; 1 nhiệm vụ chờ nghiệm thu; 3 nhiệm vụ dừng thực hiện).
Các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu, phát triển, làm chủ và ứng dụng một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 |
Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực. Các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu, phát triển, làm chủ và ứng dụng một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 mà chúng ta có lợi thế để tạo ra các sản phẩm phục vụ sản xuất - kinh doanh như: Y tế, nông nghiệp, tài nguyên môi trường...
Một số giải pháp công nghệ được hình thành từ các công nghệ chủ chốt như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn, robot tiên tiến có nhiều tiềm năng để ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
Thông qua chương trình, năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học từng bước được nâng cao, hình thành được một số nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ của công nghiệp 4.0; mỗi nhiệm vụ đều góp phần đào tạo sau đại học cho ít nhất 1 người và có 1 bài báo quốc tế đăng trên tạp chí thuộc danh mục Web of Science/Scopus.
"Đa số các nhiệm vụ đều có sự tham gia doanh nghiệp, đặc biệt một số nhiệm vụ do doanh nghiệp chủ trì trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao qua đó thúc đẩy sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp, rút ngắn thời gian đưa các kết quả nghiên cứu và thực tiễn sản xuất. Thông qua các nhiệm vụ, các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước sẽ làm chủ các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0" - Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước cho hay.
Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0
Theo Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, đối với nội dung nghiên cứu, làm chủ và chuyển giao công nghệ, giải pháp công nghệ hình thành từ các công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big data analytics), chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường (VR/AR), điện toán đám mây (Cloud Computing)…, phần lớn số lượng các nhiệm vụ thuộc Chương trình đang tập trung ở nội dung này.
Các nhiệm vụ này đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 mà Việt Nam có lợi thế để tạo ra các sản phẩm trong sản xuất - kinh doanh và dịch vụ.
Đơn cử như, trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, với việc ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0 đã được một số Bệnh viện tuyến đầu ở Việt Nam triển khai thực hiện; đó là các công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên phân tích dữ liệu lớn, y học cá thể hóa, y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô, công nghệ giải mã gen, công nghệ giám sát sức khỏe và chẩn đoán hình ảnh y- sinh học.
Kết quả của việc ứng dụng các công nghệ này đã bước đầu ứng dụng trong hỗ trợ phục hồi chức năng vận động trên người bệnh đột quỵ não; hỗ trợ tầm soát trước sinh cho một số bất thường bẩm sinh hay gặp ở Việt Nam; theo dõi, giám sát tư vấn thông minh về dinh dưỡng cho người Việt Nam và một số nhóm người bệnh.
Đồng thời, hỗ trợ chẩn đoán và dự báo dịch tễ địa không gian bệnh lao phổi bằng X - quang ngực; hỗ trợ chẩn đoán tổn thương đường tiêu hóa trên bằng hình ảnh nội soi; hỗ trợ chẩn đoán ung thư vú dựa trên ảnh X-quang và giải phẫu bệnh; phát triển hệ thống hỗ trợ thực hành tiền lâm sàng Nhi khoa dựa trên công nghệ thực tế ảo; chẩn đoán ung thư phổi qua phân tích ảnh CT lồng ngực, ảnh nội soi phế quản ống mềm và ảnh mô bệnh học cùng các hệ thống phát hiện sớm ung thư tuyến giáp, buồng trứng, da liễu…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, với việc ứng dụng công nghệ Blockchain, phân tích dữ liệu lớn (Big data analytic), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã góp phần phát triển nền nông nghiệp chính xác của Việt Nam.
Các công nghệ trên đã được ứng dụng trong quản lý sản xuất sản phẩm mật ong phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; quản lý chuỗi sản xuất và tiêu thụ hạt tiêu tại Việt Nam; ứng dụng AI trong phân tích, dự báo, ra quyết định điều khiển tự động, tối ưu hóa lượng nước tưới và áp dụng thử nghiệm cho cây thanh long; xác định các thông số về đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu đất phục vụ phát triển nông nghiệp.
Hay trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đã chế tạo được robot thông minh hình dáng giống người, hỗ trợ dạy tiếng Anh trong trường tiểu học với nhiều tính năng nổi bật cũng như sự tương tác giữa thiết bị và học sinh nhằm giúp học sinh phát huy khả năng tự tin trong giao tiếp đồng thời có thể phát âm tiếng Anh chuẩn theo người bản ngữ; Ngoài ra còn ghi nhận một số kết quả của nhiệm vụ xây dựng mô hình chuyển đổi số cho trường học thông minh.
Đặc biệt, đã ghi nhận có sự tham gia của công nghệ 4.0 trong phát triển lĩnh vực xây dựng, công nghiệp chế tạo… Đó là, chế tạo hệ thống in 3D bê tông kích thước lớn ứng dụng trong ngành xây dựng; xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát tình trạng vận hành và cảnh báo sớm sự cố của các thiết bị và đường dây tải điện 110KV trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn.
Phát triển tổ hợp Robot có tích hợp một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 ứng dụng trong dịch vụ logistics; chế tạo vật liệu in 3D sản xuất gốm sứ; chế tạo Cobot (Colalaborative robot) ứng dụng trong công nghiệp và một số lĩnh vực khác có sự hợp tác người - máy; xây dựng phần mềm nền tảng để phát triển các ứng dụng cho hệ thống SCADA; chế tạo thiết bị bồi đắp kim loại trực tiếp bằng laser (DLMD).
Ngoài ra, ở lĩnh vực công nghệ thông tin, với việc ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0 đã ghi nhận có sự tham gia của một số đơn vị, doanh nghiệp trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây trong nhận dạng, phân tích dữ liệu lớn hình ảnh từ hệ thống camera quan sát nhằm hỗ trợ phát hiện các đối tượng, sự kiện bất thường trong xã hội; xây dựng nền tảng Chính quyền điện tử triển khai tại địa phương dựa trên phương thức tiếp cận mới hình thành hệ sinh thái số kết nối chính quyền -doanh nghiệp - người dân; chế tạo thiết bị Fronthaul Gateway (FHG) trong mạng di động 5G theo cấu trúc O-RAN; xây dựng hệ thống tự động phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn tấn công mạng nhằm vào các thiết bị IoT cỡ nhỏ sử dụng mạng lưới tác tử thông minh.
Chương trình KC-4.0/19-30 đã có các nhiệm vụ nhằm tạo ra các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0 và mô hình, giải pháp chuyển đổi số vào điều hành, quản trị, sản xuất - kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp như: Nghiên cứu xây dựng mô hình quản trị số theo định hướng 4.0 cho doanh nghiệp sản suất đồ gỗ; Nghiên cứu chế tạo vật liệu in 3D sản xuất gốm sứ; Nghiên cứu xây dựng mô hình chuyển đổi số ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 trong nuôi cá tra công nghiệp; Nghiên cứu xây dựng, triển khai hệ thống quản trị và điều hành sản xuất cho doanh nghiệp may ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mô hình triển khai, kinh doanh dịch vụ dựa trên công nghệ số; mô hình giáo dục như: Nghiên cứu, xây dựng mô hình chuyển đổi số cho trường học thông minh; Nghiên cứu, thiết kế chế tạo robot thông minh hình dáng giống người, hỗ trợ dạy tiếng Anh trong trường tiểu học. |