Nhà trường và doanh nghiệp cần “bắt tay” để nâng cao chất lượng HDV du lịch.
CôngThương - Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện có trên 6.000 HDV du lịch quốc tế với nhiều thứ tiếng và hàng chục nghìn HDV du lịch nội địa, thuyết minh viên (TMV) các điểm du lịch. Việc tăng quá nhanh về số lượng, đa dạng về ngôn ngữ, môi trường hoạt động nghề nghiệp, khiến chất lượng đội ngũ HDV không đảm bảo. Ông Đỗ Đình Cương - Giám đốc Công ty Travel Support - nhìn nhận, đội ngũ HDV du lịch tăng nhanh về số lượng và đa dạng về ngôn ngữ, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của ngành du lịch. Đặc biệt, tình trạng thiếu HDV diễn ra thường xuyên với những thị trường đòi hỏi ngôn ngữ hiếm như Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Thái Lan. Không có đủ HDV phục vụ các đoàn khách đã đẩy các công ty lữ hành trước 2 sự lựa chọn: Chỉ sử dụng những HDV có chất lượng hoặc sử dụng tất cả lực lượng có trong tay (kể cả những người chưa có sự chuẩn bị kỹ cho chuyến đi).
Hiện, phần lớn các công ty lữ hành vì lý do kinh tế đã không đủ khả năng duy trì đội ngũ HDV cơ hữu, thay vào đó họ chủ yếu sử dụng đội ngũ cộng tác viên. Xu thế này dẫn đến tình trạng tăng nhanh lực lượng HDV tự do. Không chịu sự quản lý của bất kỳ tổ chức nghề nghiệp nào, đội ngũ HDV này chỉ bị ràng buộc bởi hợp đồng kinh tế với DN trong một thời hạn nhất định. Với những điều khoản chưa đủ chặt chẽ, các cơ quan chức năng không thể xử phạt các HDV này một khi có sự cố xảy ra trong chuyến đi.
Trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30/12/2011, xác định phát triển nguồn nhân lực được xác định là khâu đột phá để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Theo đó, sự liên kết giữa DN và các trường đào tạo sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ông Nguyễn Mạnh Cường- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch- khẳng định: Thiếu nhân lực chất lượng cao dẫn đến tình trạng DN này kéo người DN kia, không có trách nhiệm đào tạo để gây dựng đội ngũ nhân lực từ gốc. Do đó, việc chung tay đào tạo là trách nhiệm của cả ngành nhưng rất cần sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Ông Lê Quang Đạo- Phó giám đốc Công ty Lữ hành Tầm nhìn - cho biết: công ty phối hợp với một số trường lập diễn đàn trên mạng để trao đổi những thắc mắc, xử lý tình huống, sẵn sàng hỗ trợ đào tạo đi tour thực tế. Định kỳ theo quý, tổ chức giao lưu trực tiếp viên để trao đổi kinh nghiệm.
Mặc dù DN tích cực “bắt tay” với nhà trường để đào tạo đội ngũ HDV, nhưng khi áp dụng thực tế không mang lại kết quả mong đợi. Bà Đào Thúy Anh- Tổng giám đốc Công ty Lữ hành sao Việt- nhận định, trong chiến lược hoạt động của DN, việc tuyển dụng và cần đội ngũ cộng tác viên rất quan trọng, nhưng với yêu cầu khắt khe của DN, hầu hết đều phải rút lui sau một thời gian thử việc do thiếu kiến thức, chuyên môn. Khó tuyển HDV mới, nên công ty phải xây dựng mạng lưới cộng tác viên là nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, những người có kinh nghiệm cũng như kiến thức phong phú, chuyên sâu và yêu nghề.
Bên cạnh vấn đề liên kết giữa DN và nhà trường, theo ông Đỗ Đình Cương, nên mở rộng điều kiện cấp thẻ HDV du lịch quốc tế tới trình độ cao đẳng chuyên ngành hướng dẫn du lịch. Tăng cường tổ chức kiểm tra nghiệp vụ HDV du lịch và ngoại ngữ để thu hút nguồn nhân lực có đủ điều kiện, Đưa vào Luật Du lịch nội dung quy định HDV...