Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam, VBCWE là mạng lưới các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cam kết đảm bảo thúc đẩy bình đẳng giới cả trong và ngoài phạm vi công ty mình, được thành lập thông qua dự án Investing in Women (Đầu tư cho phụ nữ) - một sáng kiến của Chính phủ Australia. VBCWE sẽ tiên phong trong việc nỗ lực kiến tạo những nơi làm việc mà ở đó nam, nữ có cơ hội như nhau để cống hiến và phát triển sự nghiệp.
Bảy thành viên sáng lập của VBCWE bao gồm Công ty Deloitte Việt Nam, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), Tổng Công ty May 10 (Garco10), Công ty Cổ phần Traphaco và Công ty Unilever Việt Nam, với tổng số nhân viên ước tính lên đến 120.000 người.
Mạng lưới VBCWE được điều hành bởi bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam và bà Tôn Nữ Thị Ninh trong vai trò Phó Chủ tịch. Các thành viên của VBCWE đã cam kết sẽ thu hẹp chêch lệch tiền lương theo giới; gia tăng vai trò nữ giới trong các vị trí lãnh đạo và quản lý; tăng cường sự tham gia của nữ giới vào lực lượng lao động; đầu tư các điều kiện làm việc phù hợp cho người lao động có gia đình và con nhỏ. Đặc biệt là xây dựng đội ngũ quản lý cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và vận động mạnh mẽ vấn đề bình đẳng giới trong nhóm đồng nghiệp.
VBCWE hiện đang hỗ trợ các thành viên mạng lưới đạt được chứng chỉ EDGE, một tiêu chuẩn toàn cầu đánh giá các chính sách và chế độ của doanh nghiệp về bình đẳng giới ở nơi làm việc; đồng thời giúp đỡ các công ty từng bước triển khai hành động nhằm tạo ra một môi trường làm việc bình đẳng và mang lại nhiều lợi ích hơn.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VBCWE cho biết, thông qua những chính sách bình đẳng về cơ hội phát triển sự nghiệp, các công ty có thể thu hút và giữ chân nhân tài. Ở chiều ngược lại, người lao động sẽ tăng năng suất làm việc và hiệu quả kinh doanh. Các chính sách về bình đẳng giới sẽ giúp nâng cao hình ảnh và giá trị thương hiệu, một tài sản vô hình quan trọng của các doanh nghiệp. VBCWE đang sử dụng chứng chỉ EDGE như một công cụ để cung cấp phương pháp tiếp cận chuẩn xác trong các công ty thành viên.
Đại sứ Craig Chittick đánh giá, bình đẳng giới là vấn đề ưu tiên đối với cả hai quốc gia Australia và Việt Nam. Chính phủ Australia cam kết thúc đẩy quyền năng kinh tế cho phụ nữ, coi đó như một động lực to lớn cho sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á. Là một trong các sáng kiến của Chính phủ Australia, dự án Đầu tư cho Phụ nữ hướng đến mục tiêu gia tăng và cải thiện sự tham gia của nữ giới vào nền kinh tế các nước Đông Nam Á, cụ thể là ở Philippine, Indonesia, Việt Nam và Myanmar. Ước tính nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 10% (tương đương 40 tỷ USD) tính đến năm 2025 nếu tình trạng bình đẳng giới được cải thiện.
Bên cạnh việc hợp tác với các công ty lớn, dự án đầu tư vào phụ nữ còn hợp tác với các nhà đầu tư tác động nhằm xây dựng phương pháp tiếp cận vốn tối ưu hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dự án còn phối hợp với các cơ quan chính phủ để xây dựng một môi trường trong đó phụ nữ có cơ hội bình đẳng như nam giới để thành công trong công việc và hợp tác với các đối tác truyền thông nhằm đẩy lùi những tiêu chuẩn xã hội giới hạn khả năng của phụ nữ tham gia vào nền kinh tế.