Các diễn giả tham luận tại hội nghị cho rằng, mặc dù thị trường bất động sản có những yếu tố thuận lợi tác động từ nền kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đang duy trì ở mức cao ước sẽ đạt khoảng 6,98% năm 2019 và khoảng 6,6-6,8% trong năm 2020; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 cũng được kiềm chế ở mức thấp nhất trong mấy năm lại đây; vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực BĐS năm 2019 cũng khá khả quan ước tính đạt khoảng 3,1 tỷ USD, song, thị trường BĐS vẫn không thể tránh khỏi những khó khăn.
Thứ nhất, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã siết chặt tín dụng cho vay BĐS, điều này khiến cho dòng tiền đầu tư vào BĐS gặp khó. Thứ hai, cơ quan nhà nước đang có những động thái siết chặt việc cấp phép các dự án BĐS mới.
Ở góc độ thị trường, mặc dù nhu cầu BĐS vẫn còn nhiều tiềm năng, song trong quý 3/2019, thị trường đã bắt đầu chứng kiến sự giảm tốc và có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong năm 2020. Đại diện kênh Batdongsan.com.vn nhận định, năm 2020 sẽ là một năm có nhiều thách thức đối với thị trường BĐS kể từ khi hồi phục vào cuối năm 2014 cho tới nay do tín dụng BĐS sẽ tiếp tục siết chặt, nguồn cung hàng mới khan hiếm, loại hình BĐS Condotel thì đang bị mất niềm tin đối với nhà đầu tư.
Diễn biến thị trường BĐS năm 2019 cho thấy, đầu năm cơn sốt đất nền đã lan rộng trên nhiều tỉnh thành cả nước khiến giá đất nhiều nơi tăng từ 30-70% trong khoảng thời gian từ tháng 3-5/2019 so với cuối năm 2018. Trong đó, phải kể đến tại các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng trị, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương… Tuy nhiên, từ cuối tháng 5/2019 đến nay đất nền đã hạ sốt, giao dịch còn rất ít.
Đối với thị trường nhà ở, năm 2019 nguồn cung ở cả hai trung tâm lớn của đất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều giảm khoảng 30% trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, trong nửa đầu năm 2019 chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại được đề xuất, giảm 84,2% so với năm 2018. Theo tổng hợp của Batdongsan.com.vn, tổng diện tích sàn xây dựng của các dự án đủ điều kiện mở bán tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 2019 sụt giảm khoảng 52% so với năm 2018. Tổng số lượng căn hộ đủ điều kiện mở bán cũng giảm khoảng 25%, ước tính chỉ đạt khoảng 43.000 căn trong năm 2019. Dự báo, số lượng căn hộ đủ điều kiện mở bán trong giai đoạn 2020-2022 sẽ khó đạt được mức đỉnh như giai đoạn 2017-2018.
Nguồn hàng khan hiếm, trong khi nhu cầu nhà ở (căn hộ) tăng, đã khiến giá căn hộ chung cư ở cả thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều tăng. Trong đó, tại Hà Nội giá bán căn hộ chung cư tăng khoảng 3,9%, trong khi TP Hồ Chí Minh tăng trên 11%. Cụ thể, giá bán căn hộ chung cư ở phân khúc trung cấp tại TP Hồ Chí Minh là 37 triệu đồng/m2, trong khi tại Hà Nội là khoảng 29 triệu đồng/m2.
Thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nguồn cung năm 2019 cũng khan hiếm, khiến giá cho thuê văn phòng hạng A trong quý 3/2019 tại Hà Nội bình quân là 21 USD/m2/tháng (tăng 4% so với cùng 2018), tại TP Hồ Chí Minh là 28 USD/m2/tháng (tăng 5,9%). Thị trường BĐS nghỉ dưỡng trầm lắng, lượng giao dịch thấp so với nguồn cung.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Anh nhận xét, thị trường BĐS vẫn có những tín hiệu khả quan, bởi tỷ suất lợi nhuận đầu tư vào BĐS tại so với các loại hình đầu tư khác vẫn khá hấp dẫn khi tốc độ tăng giá BĐS tại TP Hồ Chí Minh năm 2019 là 12%, cao hơn đầu tư chứng khoán và lãi suất ngân hàng.
Diễn biến thị trường BĐS cũng cho thấy, thị trường căn hộ nhu cầu hiện nay vẫn rất cao đặc biệt là đối với phân khúc căn hộ chung cư bình dân so với các phân khúc căn hộ trung cao cấp. Mặc dù vậy, để có được một căn hộ đối với người lao động thu nhập thấp thì vẫn rất xa vời. Chẳng hạn, một sinh viên đại học ra trường đi làm theo lương khởi điểm hiện hành, muốn có một căn hộ chung cư thương mại trung cấp khoảng trên 70m2, với mức giá như hiện hành (giá 29-37 triệu đồng/m2), thu nhập chỉ để dành mua nhà (nếu không thăng tiến về thu nhập), có thể mất từ 28 đến trên 30 năm mới có đủ tiền.