Thị trường cà phê thế giới tăng nhẹ, giá cà phê nội địa tiếp tục xô đổ mọi kỷ lục
Kết phiên giao dịch ngày cuối tuần 19/4, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 5/2024 tăng 2 USD/tấn, ở mức 4.083 USD/tấn, giao tháng 7/2024 tăng 18 USD/tấn, ở mức 4.080 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 tăng 1,55 cent/lb, ở mức 241,4 cent/lb, giao tháng 7/2024 tăng 0,75 cent/lb, ở mức 231,85 cent/lb.
Tính chung cả tuần trước, giá cà phê Robusta giao tháng 5 tăng tất cả 183 USD. Giá cà phê Arabica giao tháng 5 tăng 16,75 cent.
Nguồn cung Robusta hiện vẫn chưa hề được cải thiện cho đến khi có hàng vụ mới đến với thị trường từ Brazil và Indonesia từ tháng 6 này. Tuy nhiên, những hoạt động thanh lý vị thế mua lớn trong suốt thời gian qua khi giá thị trường thế giới tăng cũng có thể khiến một bộ phận giới đầu tư đánh giá lại việc giá cà phê đang chạm mức cao kỷ lục như hiện nay.
Mặc dù một số vùng tại khu vực Tây Nguyên của Việt Nam đã xuất hiện mưa nhưng giới quan sát đánh giá những cơn mưa này đến quá muộn và tình trạng nắng nóng trong thời gian tới vẫn có thể ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng.
Sau khi chạm mức thấp nhất 20 năm trở lại đây, tồn kho cà phê Arabica đã qua phân loại, được chứng nhận trên sàn ICE Futures US đang tiếp tục tăng dần hàng ngày, leo lên mức gần bằng cùng thời điểm năm ngoái.
Cụ thể, tính đến ngày 19/4, tồn kho cà phê Arabica tăng 7.980 bao so với hôm trước, lên mức 643.090 bao. Điều này có thể gây áp lực lên giá trong thời gian tới.
Giá cà phê trong nướcvừa trải qua một tuần tăng sốc thêm tới 13.000 đồng/kg. Từ đầu tháng, giá cà phê trong nước tăng sốc, thêm hơn 20.000 đồng/kg. Tháng 3/2024, thị trường tăng đến 15.000 đồng/kg, lúc này ai cũng nghĩ cà phê đã đến đỉnh và không thể tăng thêm. Nhưng càng ngày cà phê càng tăng mạnh, vượt mọi suy đoán của các bên tham gia thị trường.
Giá cà phê tăng cao là điều đáng mừng cho người trồng cà phê Việt Nam. Nhưng với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê, từ các đại lý thu mua tới nhà xuất khẩu, thương mại, rang xay… việc giá tăng nhanh và quá cao cũng đang gây ra nhiều thách thức.
Trong tuần qua, giá cà phê trong nước tăng đến gần 13.000 đồng/kg, liên tiếp xô đổ các kỷ lục về giá |
Được biết, một số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng phải thay đổi chiến lược nhập cà phê về để thay thế cà phê Robusta của Việt Nam. Đây là điều nhiều người không lường trước được, cả chuỗi ngành hàng đang bị phá vỡ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cà phê Việt Nam.
Để gỡ nút thắt này, trong bối cảnh ngành cà phê đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 5 tỷ USD trong năm nay và được coi là ngành hàng quan trọng, các chuyên gia cho rằng, để ngành tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững, ngoài hỗ trợ về tăng hạn mức cho vay để vượt qua khó khăn trước mắt thì cần hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất, tiếp cận chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê.
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, điểm nổi bật nhất những tháng qua là giá cà phê xuất khẩu liên tục tăng. Cụ thể, trong tháng 3/2024, bình quân giá cà phê xuất khẩu đạt 3.555 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước (tăng 55% so với tháng 3/2023). Tính chung quý 1/2024, giá xuất khẩu cà phê đạt 3.289 USD/tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua, kể từ khi Việt Nam tham gia vào thị trường xuất khẩu cà phê thế giới.
Theo các chuyên gia, giá cà phê xuất khẩu hiện nay tăng mạnh là do nguồn cung cà phê khan hiếm. Hàng năm, Việt Nam sản xuất từ 27 đến 30 triệu bao cà phê Robusta (60 kg/bao), đóng góp khoảng 40% tổng sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ sau niên vụ 2021/2022, thị phần cà phê của Việt Nam sụt giảm, từ việc chiếm 40% tổng sản lượng toàn cầu, giảm xuống còn 36% trong niên vụ hiện tại. Đây là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành hàng này ở những năm tiếp theo.