Thị trường chứng khoán Việt Nam: Bước lên tầm cao mới
Tiến sĩ Trần Đắc Sinh và Bộ trưởng Đinh La Thăng tại phiên đấu giá lần đầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam tháng 12/2015 |
Nhìn lại hoạt động trong năm 2015 nói riêng và quá trình 15 năm hình thành và phát triển, theo ông cái “ được” nhất của HOSE là gì?
Năm 2015 - năm đánh dấu mốc 15 năm hoạt động của HOSE và cũng là 15 năm hình thành và phát triển của TTCK tập trung tại Việt Nam, tôi cho rằng có 5 cái “được” lớn nhất:
Thứ nhất, xây dựng được TTCK tập trung quy tụ được các doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong nền kinh tế; khẳng định vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả. Tư 2 mã cổ phiếu niêm yết và vài công ty chứng khoán, đến nay HOSE có hơn 300 mã cổ phiếu niêm yết, 80 công ty chứng khoán thành viên, 1,5 triệu tài khoản nhà đầu tư với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng gần 50 tỷ USD, tương đương gần 30% GDP.
Thứ hai, nâng cao tính minh bạch của thị trường, áp dụng những chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty, quản trị rủi ro đối với tổ chức niêm yết. 15 năm qua, TTCK hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả. Nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin trên TTCK của thành viên thị trường và công ty niêm yết được HOSE giám sát chặt chẽ, đảm bảo sự công bằng và tuân thủ các quy định trên thị trường.
Thứ ba, HOSE tiên phong triển khai phương thức giao dịch tiên tiến, sản phẩm dịch vụ mới cho thị trường. Cụ thể: Triển khai khớp lệnh liên tục vào năm 2007, giao dịch trực tuyến vào năm 2009, kéo dài thời gian giao dịch và lệnh thị trường năm 2012… đã cải thiện đáng kể thanh khoản thị trường. Các sản phẩm mới như bộ chỉ số HOSE-Index, ETF ra đời đã cung cấp thêm nhiều công cụ và tiện ích cho nhà đầu tư tham gia giao dịch. Hiện nay, Sở đang tích cực chuẩn bị để có thể sớm đưa sản phẩm Covered Warrant giao dịch.
Thứ tư, xây dựng được cơ sở hạ tầng hiện đại cho TTCK. HOSE đầu tư gói CNTT gần 40 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016-2017. Đây là hệ thống công nghệ hiện đại nhất của TTCK Việt Nam, tích hợp cho cả thị trường cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh và kể cả đăng ký lưu ký, thanh toán bù trừ.
Cái “được” thứ năm, HOSE nâng cao hình ảnh nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung trên bản đồ thị trường tài chính khu vực. HOSE trở thành đối tác song phương và đa phương của nhiều sở GDCK và tổ chức tài chính lớn của 20 thị trường trên thế giới, trong đó có 4 thị trường thuộc khối G7. Chúng tôi còn là thành viên sáng lập trong sáng kiến liên kết các sở GDCK ASEAN, thành viên chính thức của Hiệp hội các Sở châu Á-châu Đại Dương (AOSEF) và gần đây tham gia vào Sáng kiến các sở GDCK bền vững (SSE).
2 năm qua, HOSE đã nỗ lực xây dựng hệ thống chỉ số đa dạng, đáp ứng nhu cầu tham chiếu của nhiều đối tượng nhà đầu tư khác nhau như: Chỉ số VN30, VNMidcap, VNSmallcap, VN100 và VNAllshare; chỉ số tổng thu nhập (HOSE-TRI) và gần đây là chuẩn bị triển khai các chỉ số ngành thuộc phân ngành cấp 1 của GICS vào quý I/2016. Việc triển khai một loạt các chỉ số HOSE-Index đã có tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam, thưa ông?
Bộ chỉ số HOSE-Index sau khi triển khai đã được thị trường đón nhận tích cực và xem đó là các chỉ báo phản ánh chi tiết hơn các phân khúc khác nhau của thị trường. Chúng ta đã có chỉ số VN30 dành cho các DN quy mô lớn, VNMidcap dành cho các DN có quy mô vừa và VNSmallcap dành cho DN có quy mô nhỏ. Năm 2014, công ty quản lý quỹ VFM đã sử dụng chỉ số VN30 để làm chỉ số tham chiếu cho quỹ ETF đầu tiên niêm yết trên HOSE. Gần đây, một công ty quản lý quỹ ở Hàn Quốc đã đặt vấn đề với HOSE về việc cấp bản quyền chỉ số VN30 để xây dựng quỹ ETF niêm yết tại Hàn Quốc… Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện công tác xây dựng chỉ số của HOSE đã đi đúng hướng và gặt hái các thành tựu ban đầu, tạo tiền đề phát triển các sản phẩm tài chính phái sinh trên chỉ số.
Dự kiến cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017, HOSE sẽ triển khai ra thị trường Chỉ số phát triển bền vững (HOSE- ESG Indices) hay còn gọi là Chỉ số xanh. Chúng tôi sẽ phối hợp với chuyên gia Đức học hỏi kinh nghiệm xây dựng và thương mại hóa chỉ số, kinh nghiệm thiết kế các bộ tiêu chí phát triển bền vững.
Theo ông, để TTCK Việt Nam có thể được nâng hạng trên bảng xếp hạng MSCI trong năm 2016 từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, cần những giải pháp nào?
Việc nâng hạng thị trường là bước đi cần thiết trong quá trình phát triển TTCK Việt Nam nhằm nâng cao hình ảnh và thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế vào thị trường. Theo đánh giá của MSCI, TTCK Việt Nam đang được xếp vào thị trường cận biên và cần cải thiện một số nội dung về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; khả năng tiếp cận thị trường, minh bạch thông tin cũng như yêu cầu về thanh khoản và quy mô vốn hóa. Về các tiêu chí định lượng như vốn hóa và thanh khoản, tôi cho rằng HOSE nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung hoàn toàn có đủ tiềm lực đáp ứng, tuy nhiên các tiêu chuẩn còn lại chúng ta cần có những giải pháp thúc đẩy và lộ trình cụ thể.
Về phía HOSE, chúng tôi cũng rất nỗ lực hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường, phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ mới để gia tăng quy mô niêm yết và thanh khoản; thu hút công ty lên niêm yết, hoàn thiện hạ tầng và công nghệ thông tin; tăng cường vai trò giám sát để đảm bảo tính minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng và minh bạch nhất cho nhà đầu tư.
Với tư cách là người tham gia và lãnh đạo từ đầu của HOSE, TTCK Việt Nam, ông có chia sẻ gì với nhà đầu tư trong năm 2016?
Chúng ta đang bước vào một giai đoạn hết sức mới, đó là hội nhập sâu rộng, mở cửa, hoàn thiện thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc TTCK. Với cơ hội và thách thức đan xen, nếu tận dụng được cơ hội và phát huy nội lực, TTCK Việt Nam sẽ bước lên một tầm cao mới. Tôi cũng mong rằng các thành viên thị trường trong giai đoạn tới có sự chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, công nghệ, kiến thức để có thể tham gia thành công trên sân chơi chung này.
Xin cảm ơn ông!
Theo đánh giá của MSCI, TTCK Việt Nam đang được xếp vào thị trường cận biên và cần cải thiện một số nội dung về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; khả năng tiếp cận thị trường, minh bạch thông tin cũng như yêu cầu về thanh khoản và quy mô vốn hóa. |