Thị trường hàng hoá đỏ lửa tuần thứ 5 liên tiếp
Trong đó, nông sản là nhóm có sự sụt giảm mạnh nhất khi chỉ số MXV- Indexriêng của nhóm đánh mất hơn 9% chỉ trong 1 tuần. Theo sau đó là nhóm Kim loại, suy yếu 6%. Hàng loạt các mặt hàng quan trọng lao dốc rất mạnh gây nhiều sức ép lên tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Điều này đã khiến dòng tiền chảy vào thị trường hàng hoá giảm nhẹ, trung bình đạt 3.800 tỷ đồng mỗi ngày, thấp hơn 5% so với tuần trước đó.
MXV-Index và GTGD |
Lúa mì trải qua tuần giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm
Giá lúa mì Chicago hợp đồng tháng 9 dẫn dắt xu hướng của toàn thị trường nông sản khi lao dốc đến 12,8%, đóng cửa ở 776,75 /giạ. Đây cũng là tuần giảm mạnh nhất của mặt hàng này trong vòng hơn 10 năm trở lại đây. Kỳ vọng của thị trường về nguồn cung từ các nước xuất khẩu lớn trên thế giới là yếu tố gây áp lực lên giá mặt hàng này.
Cụ thể, tại Nga, các quan chức ở khu vực phía nam Rostov cho hay năng suất lúa mì được thu hoạch tại đây cao hơn 0,1 – 0,2 tấn/héc-ta so với năm ngoái. Do đó, hãng tư vấn nông nghiệp IKAR đã nâng dự báo sản lượng và thặng dư lúa mì dành cho xuất khẩu năm 2022 của nước này cao hơn so với ước tính trước đó. Không chỉ vậy, sản lượng lúa mì tại Mỹ tiếp tục được USDA điều chỉnh tăng lên mức 1.781 triệu giạ trong báo cáo tháng 7, cao hơn so với báo cáo trước đó. Đây là những tín hiệu tích cực đối với nguồn cung lúa mì trên thế giới và gây sức ép lên giá. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), nhiều khả năng, đà giảm của giá mặt hàng này sẽ tiếp tục được củng cố và quay về vùng 740 cents.
Cùng với đó, giá ngô hợp đồng tháng 12 đã sụt giảm gần 3%, xoá đi hoàn toàn mức tăng của tuần trước đó. Cơ cấu cung cầu nới lỏng hơn tại Mỹ là yếu tố chính tạo áp lực lên giá trong tuần vừa qua.
Theo báo cáo Export Inspections được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào đầu tuần, giao hàng ngô trong tuần thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, bán hàng lũy kế từ đầu niên vụ cũng đang chậm hơn so với niên vụ trước đó. Nhu cầu tiêu dùng ngô Mỹ bị sụt giảm đã tạo áp lực đến giá mặt hàng này. Ngoài ra, trong báo cáo Cung – cầu (WASDE) mới nhất, tồn kho ngô Mỹ và thế giới niên vụ 22/23 đều được dự báo gia tăng so với báo cáo trước đó. Nguồn cung nới lỏng so với giai đoạn trước càng củng cố thêm lực bán đối với ngô trong tuần trước.
Tuy nhiên, cuộc đình công của các hiệp hội nông nghiệp tại Argentina đã gây ra lo ngại về việc xuất khẩu bị gián đoạn, đặc biệt là trong giai đoạn xuất khẩu đẩy mạnh đã hạn chế đà giảm của ngô vào cuối tuần.
Bảng giá nông sản |
Cùng chung đà giảm của thị trường, cả 3 mặt hàng nhóm đậu tương đồng loạt đóng cửa tuần với mức giảm hơn 3%. Mặc dù giá đã có sự tăng mạnh vào đầu tuần, tuy nhiên, lực bán tại vùng kháng cự 1425 đã đẩy đậu tương sụt giảm mạnh về dưới vùng 1350. Thông tin về mùa vụ Mỹ là yếu tố chính đã ảnh hưởng đến diễn biến giá trong tuần trước.
Dự báo thời tiết tại Mỹ cho thấy, nhiệt độ tại khu vực Midwest trong tuần này sẽ tăng cao, đặc biệt tại các bang gieo trồng đậu tương chính như Iowa và Illinois. Thêm vào đó, nhiều khả năng những khu vực trên cũng sẽ không có mưa hoặc nhận được lượng mưa dưới mức trung bình. Nếu điều kiện thời tiết này kéo dài sẽ khiến diện tích hạn hán mở rộng, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển và năng suất cây trồng. Rủi ro về thời tiết là yếu tố đã giúp giá đậu tương tăng mạnh đầu tuần vừa rồi.
Tuy nhiên, trong báo cáo Cung - cầu WASDE tháng 07, cả hai số liệu xuất khẩu và ép dầu đậu tương niên vụ 22/23 của Mỹ đều bị cắt giảm so với dự đoán trước. Đây là nguyên nhân làm cho mức giảm tồn kho thực sự của niên vụ 22/23 không nghiêm trọng như dự đoán của thị trường. Bên cạnh đó, mức tăng nhẹ của số liệu tồn kho đậu tương cuối niên vụ 21/22 của Mỹ cũng là yếu tố kiềm chế đà tăng của giá. Đây là nguyên nhân khiến đậu tương không giữ được đà tăng trong tuần trước.
Tương tự đậu tương, sắc đỏ cũng bao trùm lên bảng giá khô đậu và dầu đậu trong tuần vừa rồi. Dầu đậu tương đã đánh dấu tuần thứ 6 liên tiếp suy yếu khi phải chịu áp lực từ diễn biến dầu cọ. Theo Thứ trưởng bộ Tài chính Indonesia, chính phủ nước này đang cân nhắc việc áp dụng mức phí xuất khẩu thấp hơn và thực thi các biện pháp hỗ trợ nhằm đẩy mạnh các đơn hàng dầu cọ ra thế giới.
Mặc dù giá nông sản thế giới liên tục lao dốc, nhưng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của ngành thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có nhiều sự điều chỉnh giảm tương ứng. Các nhà máy và doanh nghiệp sản xuất chờ đợi nhiều hơn sự hạ nhiệt của giá nông sản nhập khẩu. Điều này khiến giá các mặt hàng thành phẩm hiện vẫn duy trì đà tăng. Ghi nhận trong sáng nay, giá heo hơi nội địa tiếp tục tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg, dao động quanh vùng giá khá cao 59.000 – 72.000 đồng/kg.
Bảng giá heo hơi nội địa |
Quặng sắt sụt giảm 15%, đánh mất mốc 100 USD/tấn
Ngoại trừ chì LME, sắc đỏ bao trùm toàn bộ bảng giá các mặt hàng kim loại. Đáng chú ý, giá quặng sắt đã lao dốc mạnh mẽ và đánh mất gần 15% giá trị chỉ trong tuần qua. Nguyên nhân chính cho sự sụt giảm rất mạnh này là do khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, khi nhiều người mua nhà đang tẩy chay việc thanh toán khoản thế chấp và khiến nợ xấu lên tới 312 triệu USD. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết khắc nghiệt với các đợt nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung Trung Quốc, trong khi mưa lớn gây ra lũ lụt ở miền Nam đã làm gián đoạn nhu cầu sử dụng sắt thép trong xây dựng. Lĩnh vực xây dựng và bất động sản vốn tác động mạnh lên giá sắt thép và do đó, gây sức ép cho giá sắt rơi khỏi mốc 100 USD/tấn.
Giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang tuần thứ 6 liên tiếp với mức giảm mạnh nhất theo tuần trong vòng hơn 1 năm, suy yếu hơn 8% xuống 3,23 USD/pound. Thị trường đồng đã phải đối diện với sức ép kép từ bài toán lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tương lai và yếu tố về nhu cầu tiêu thụ vẫn còn hạn chế tại thị trường Trung Quốc. Các trường hợp Covid-19 mới ở Trung Quốc tiếp tục tăng khi dịch bệnh bùng phát ở một số khu vực mở rộng. Quốc gia này đã báo cáo 580 trường hợp địa phương vào thứ Bảy, mức cao nhất kể từ 23/05. Những hạn chế do dịch bệnh tiếp tục đặt ra cho thị trường đồng sức ép lớn về đà phục hồi.
Bảng giá kim loại |
Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc cũng ghi nhận tuần thứ 5 lao dốc, đóng cửa tuần ở mức 18,59 USD/ounce, xóa sạch những tích lũy trong vòng 2 năm qua. Bạch kim dẫn đầu đà giảm trong nhóm kim loại quý khi suy yếu 5,88% sau phiên phục hồi vào tuần trước, đánh dấu mốc 830 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9/2020.
Tâm điểm của tuần qua có tác động mạnh nhất tới nhóm kim loại quý là mức lạm phát đạt đỉnh trong vòng hơn 4 thập kỷ tại Mỹ, thể hiện thông qua chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng vọt 9.1%. Điều này khiến tâm lý các nhà đầu tư nghi ngại rằng Fed sẽ mạnh tay nâng lãi suất ở mức kỷ lục vào cuộc họp cuối tháng này. Đồng dollar tiếp tục tuần thứ 3 tăng vọt và do đó, gây áp lực tới giá bạc và bạch kim, làm xói mòn vai trò trú ẩn an toàn của nhóm kim loại quý.
Trên thị trường nội địa, mặc dù giá sắt thép trong nước đã có tới 8 lần điều chỉnh giảm tính từ giữa tháng 5 đến nay, với luỹ kế giảm trên dưới 3 triệu đồng mỗi tấn chỉ trong 2 tháng; Tuy nhiên ngược lại, cát, xi măng, và nhiều vật liệu xây dựng khác lại tăng từ 4-6 lần tính từ đầu năm đến nay. Ngày 14/7 vừa qua, thông tin từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết tính từ tháng 03 đến nay, ngành xi măng đã tăng giá bán sản phẩm 3 lần với tổng mức tăng dao động từ 220.000 - 270.000 đồng/tấn. Mức tăng này vẫn chưa làm giảm bớt gánh nặng chi phí đầu vào nên một vài nhà máy phải dừng lò nghiền clinker do càng sản xuất càng lỗ.
Bảng giá thép nội địa |