Thị trường hàng hóa hôm nay 28/11: Giá dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp; cà phê, dầu cọ bật tăng mạnh Thị trường hàng hóa hôm nay 29/11: Giá dầu giằng co, ngành dệt may gặp khó do nhập khẩu bông giảm |
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), lực mua tích cực quay trở lại thị trường hàng hoá đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index tăng 0,71% lên 2.450 điểm, kết thúc chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp trước đó.
Ngoại trừ mức giảm nhẹ trên thị trường nông sản, sắc xanh hoàn toàn áp đảo trên bảng giá của cả 3 nhóm mặt hàng còn lại. Đáng chú ý, nhóm kim loại và nguyên liệu công nghiệp ghi nhận nhiều mức tăng mạnh của các mặt hàng quan trọng. Dòng tiền đầu tư cũng dần ổn định quay lại thị trường, sau thời gian một số mặt hàng được tạm dừng giao dịch để nghỉ Lễ trong tuần trước. Đóng cửa hôm qua, giá trị giao dịch toàn Sở tăng hơn 9%, đạt mức trên 4.700 tỷ đồng.
Giá dầu thô đón nhận lực mua tích cực
Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 29/11, sắc xanh bao phủ toàn bộ các mặt hàng trong nhóm năng lượng. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 1 năm sau trên Sở NYMEX tăng phiên thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,24% lên 78,2 USD/thùng. Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 2 năm sau tăng 0,43% lên mức 84,25 USD/thùng.
Giá dầu liên tục đón nhận lực mua tích cực ngay từ khi mở cửa phiên, do một số nguồn tin cho rằng, nhóm OPEC+ có thể sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng trong cuộc họp vào ngày 4/12 sắp tới. Phân tích từ nhà tư vấn công nghiệp FGE cho biết con số có thể lên tới 2 triệu thùng/ngày, trong khi đơn vị RBC dự đoán OPEC+ có thể cắt giảm 500.000 - 1 triệu thùng/ngày.
Ngân hàng Goldman Sachs cũng đang đưa ra quan điểm cho rằng, nhóm OPEC+ có thể sẽ thực hiện các biện pháp tiếp theo để ngăn chặn đà giảm giá và cố gắng cân bằng thị trường. Jeff Currie, chuyên gia trên thị trường hàng hoá của đơn vị này cũng có nhận định rất tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu trung hạn cho năm 2023, và ngân hàng này khá “kiên quyết” với dự báo dầu thô Brent ở mức 110 USD/thùng cho năm tới.
Bên cạnh đó, tình hình bất ổn do dịch bệnh tại Trung Quốc cũng đã được kiểm soát bởi các nhà chức trách địa phương, cũng khiến giá dầu ổn định trở lại. Thậm chí, giá dầu có thời điểm đã tăng lên trên 79 USD/thùng sau khi Bắc Kinh cho biết, họ sẽ tăng cường tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi trong một cuộc họp của đơn vị y tế, một động thái được các chuyên gia coi là rất quan trọng đối với việc mở cửa trở lại của nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Lo ngại về việc nguồn cung có thể thu hẹp trong giai đoạn tới, trong khi kỳ vọng Trung Quốc sớm mở cửa trở lại gia tăng đã hỗ trợ cho giá dầu ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp.
Đà tăng của giá chỉ chững lại trong phiên tối, khi Reuters cho biết, 5 nguồn tin từ OPEC+ cho rằng nhóm nước này có khả năng sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng dầu tại cuộc họp vào Chủ nhật sắp tới. Có thể thấy rằng, bất chấp sức ép từ tiêu thụ, cán cân cung cầu thắt chặt trên thị trường vẫn sẽ khiến giá dầu phản ứng mạnh với các thay đổi về nguồn cung. Trong khi đó, nhóm các nước phương Tây vẫn chưa thể đi đến thống nhất về mức giá trần đối với dầu thô Nga mặc dù thời hạn của lệnh trừng phạt chỉ còn 5 ngày, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung.
Rạng sáng nay, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh 7,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 25/11 so với dự báo giảm chỉ 2,8 triệu thùng, và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp, có thể sẽ tiếp tục là yếu tố thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Trước những diễn biến của giá dầu, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư: Giá dầu đang có xu hướng phục hồi từ vùng cạnh dưới dải Bollinger Band. RSI đang có dấu hiệu hướng lên trên, phản ánh lực mua đang có xu hướng quay trở lại. Nhiều khả năng giá sẽ test lại mức 78,2 USD/thùng. Có thể canh mua ở mức này với kỳ vọng chốt lời 1,5 USD/thùng.
Giá kim loại đồng loạt tăng
Thị trường kim loại kết thúc phiên giao dịch 29/11 với sắc xanh áp đảo. Nhóm kim loại quý tăng tích cực với giá bạc tăng mạnh nhất nhóm, cao hơn 1,38% và đóng cửa ở mức 21,20 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,93% lên 1008,6 USD/ounce.
Trong phiên hôm qua, giá kim loại quý không chịu sức ép nhiều từ sự tăng giá của đồng USD. Chỉ số Dollar Index tăng lên 106,82 điểm nhưng sức mua vẫn gia tăng trên thị trường kim loại quý. Diễn biến giá này có thể lý giải bởi hai nguyên do. Một mặt, đà hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ đang chậm lại trong hai tuần gần đây, cùng với độ rủi ro cao trên thị trường tiền điện tử khiến cho nhà đầu tư phân bổ tài sản nhiều hơn sang thị trường kim loại quý. Mặt khác, thị trường đang kỳ vọng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ đưa ra một vài tín hiệu tích cực về chính sách tiền tệ trong bài phát biểu lần này. Bên cạnh đó, giá của các mặt hàng kim loại cũng được hưởng hiệu ứng tích cực từ sự tăng giá của thị trường hàng hóa nói chung trong phiên hôm qua.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng nhẹ 0,51% lên 3,63 USD/pound, giá quặng sắt bứt phá mạnh mẽ 2,69% và vượt mức 100 USD/tấn. Phần lớn các mặt hàng kim loại cơ bản đều tăng giá khi mà thị trường kỳ vọng các nhà chức trách Trung Quốc sẽ có những biện pháp để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế.
Trong đó, giá sắt tăng nhanh và mạnh nhất bởi kim loại này rất nhạy với các kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế thứ hai thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tìm cách hỗ trợ ngành bất động sản, một mũi nhọn quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, mà so với các kim loại khác, sắt sẽ được tiêu thụ nhiều nhất nếu ngành này hồi phục nên giá sắt đang được hưởng lợi nhiều hơn.
Một yếu tố khác thúc đẩy sự gia tăng của các kim loại như sắt và nhôm là những lo ngại rằng nguồn cung sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu trước bất kỳ thay đổi tích cực nào trong chính sách. Tồn kho nhôm tại các kho do Sở Giao dịch Thượng Hải giám sát đã giảm 11,9% xuống 110.017 tấn vào thứ sáu tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2017.
Với tồn kho sắt, lượng dự trữ tại cảng của Trung Quốc hiện là 138 triệu tấn, đang thấp hơn so với mức 150,9 triệu tấn của năm ngoái, tuy nhiên đang tăng lên trong những tuần gần đây. Tồn kho quặng sắt thường tăng vào mùa đông do các nhà máy thép tích trữ trước giai đoạn nhu cầu cao điểm vào mùa xuân.
Về thị trường đồng, triển vọng tiêu thụ kém, đặc biệt là khi tốc độ tăng trưởng của các ngành năng lượng xanh đang giảm khiến cho giá không được hưởng lợi nhiều và chỉ tăng nhẹ. Ngoài ra, phần lớn kỳ vọng tiêu thụ của đồng đều mang tính dài hạn, nên ngay cả khi nhiều cuộc biểu tình diễn ra tại các nước sản xuất lớn như Peru, hay Trung Quốc cũng không thể hỗ trợ giá bật tăng mạnh.
Cà phê Arabica bật tăng mạnh, giá bông khởi sắc trở lại
Đóng cửa ngày 29/11, sắc xanh gần như bao trùm trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi cả cà phê Arabica và bông đều bật tăng sau phiên giảm mạnh trước đó.
Cà phê bất ngờ bật tăng gần 4% nhờ vào sự khởi sắc của đồng Real. Theo đó, đồng Real tăng gần 2% trong phiên hôm qua, đẩy cặp tỷ giá USD/Brazil Real giảm 1,79%. Điều này đã hạn chế lực bán từ phía nông dân Brazil, từ đó hỗ trợ giá. Ngoài ra, lượng cà phê chờ để phân loại vào các kho dự trữ của ICE đang giảm dần, điều này đồng nghĩa với việc đà tăng của tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US sẽ sớm kết thúc.
Giá bông cũng ghi nhận sự tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm qua với mức tăng 2,10%. Dầu thô tăng khiến Polyester, sợi tổng hợp thay thế chính của bông tăng giá, từ đó kéo theo giá bông. Bên cạnh đấy, cuộc biểu tình tại Trung Quốc cũng nhen nhóm hy vọng quốc gia này sẽ nới lỏng các lệnh phong tỏa.
Dầu thô tăng cũng đã kéo theo giá 2 mặt hàng đường tiếp tục khởi sắc với mức tăng lần lượt 0,77% với đường 11 và 0,96% với đường trắng. Dầu thô tăng phần nào thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol, điều này gián tiếp khiến nguồn cung đường suy yếu, từ đó hỗ trợ giá.
Trong phiên giao dịch hôm qua, dầu cọ đã bật tăng mạnh từ mở cửa và đóng cửa với mức tăng lên tới 1,91%. Sự khởi sắc của dầu thô cũng như dầu đậu tương tại Sở Giao dịch Đại Liên của Trung Quốc đã nguyên nhân chính giúp lý giải cho diễn biến hôm nay của giá dầu cọ. Các đợt biểu tình của công nhân tại một số thành phố lớn của Trung Quốc đã nhen nhóm một số hi vọng rằng chính phủ nước này sẽ buộc phải nới lỏng hơn nữa chính sách “Không Covid” của mình. Điều đó có thể giúp nhu cầu sử dụng năng lượng cũng như dầu thực vật của nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu hồi phục trở lại và hỗ trợ đà tăng của giá các mặt hàng này.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng cả về lượng và giá trị
Theo thống kê mới nhất của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 11, nước ta đã xuất khẩu 55,4 nghìn tấn cà phê tương đương với kim ngạch 134,4 triệu USD. Luỹ kế từ đầu năm, cả nước đã xuất khẩu 1,48 triệu tấn cà phê trị giá 3,42 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê tính đến ngày 15/11 năm nay đã tăng 12% về lượng và tăng tới 34% về giá trị.
Ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê thu mua tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng 100 đồng/kg, dao động trong khoảng 40.200 – 40.800 đồng/kg.