Sức bán áp đảo, thị trường hàng hoá đóng cửa tuần đỏ lửa Thị trường hàng hoá đỏ lửa tuần thứ 5 liên tiếp |
Giá trị giao dịch trung bình toàn Sở giảm nhẹ xuống còn gần 3.500 tỷ đồng mỗi phiên, khi các nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng với đà giảm mạnh của giá nhiều mặt hàng nguyên liệu quan trọng.
MXV- Index và GTGD |
Nhóm kim loại đồng loạt tăng giá
Đáng chú ý, nhóm kim loại có đà phục hồi rất mạnh dẫn dắt mức tăng của toàn thị trường trong tuần vừa qua. Tất cả các mặt hàng trong nhóm đóng cửa trong sắc xanh sau liên tiếp các tuần lao dốc. Bạc kết thúc tuần với mức giá 18,61 USD/ounce, tương đương với mức tăng nhẹ 0,12% sau 5 tuần suy yếu. Bạch kim bứt phá mạnh mẽ nhất trong nhóm kim loại quý, tăng 4,37% lên 867,2 USD/ounce.
Nhóm kim loại quý trong tuần qua được hưởng lợi khi đồng dollar Mỹ suy yếu sau 3 tuần tăng liên tiếp, làm giảm áp lực lên chi phí nắm giữ kim loại quý. Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, vượt những kỳ vọng trước đó đã ngăn cản sự trượt giá của đồng Euro. Trong khi đó, theo công cụ theo dõi lãi suất của CME Group, đang có khoảng 80% ý kiến cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bố sung 75 điểm cơ bản thay vì 100 điểm trong quyết định lãi suất. Những điều này khiến cho chỉ số Dollar Index hạ nhiệt và hỗ trợ cho đà tăng của nhóm kim loại quý. Bên cạnh đó, mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ thấp cũng làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ bạc hay bạch kim.
Bảng giá Kim loại |
Đối với nhóm kim loại cơ bản, cả đồng COMEX và quặng sắt đều kết thúc tuần với mức giá tăng khá mạnh. Đồng COMEX phục hồi từ mức đáy thấp nhất trong vòng 20 tháng, chấm dứt chuỗi 6 tuần giảm liên tiếp bằng mức tăng 3,57% lên 3,34 USD/pound. Bên cạnh sự hỗ trợ do đà suy yếu của đồng bạc xanh, các yếu tố nguồn cung trong tuần qua cũng đã hỗ trợ cho giá đồng. Những gián đoạn trong hoạt động khai thác của công ty khai thác mỏ lớn thứ 2 thế giới Coldedo, và việc mỏ đồng Las Bambas vẫn chưa tìm được tiếng nói chung của công ty và cộng đồng địa phương làm dấy lên lo ngại về khả năng mở rộng nguồn cung và gây áp lực đến giá đồng.
Quặng sắt có tuần tăng vọt lên gần 7% và lấy lại được mốc 100 USD, trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực trợ giúp cho việc bình ổn cuộc khủng hoảng thế chấp bất động sản. Bên cạnh đó, tồn kho thép trung bình các loại của 184 nhà máy Trung Quốc liên tục giảm trong thời gian gần đây, suy yếu 6,8% trong tuần vừa qua so với tuần trước đó đã hỗ trợ cho đà tăng của giá sắt. Ngoài ra, thông tin về công ty khai thác quặng sắt lớn thứ hai trên thế giới, Vale SA tại Brazil cắt giảm dự báo sản lượng sắt cả năm đã khiến giá sắt tăng mạnh trong tuần.
Niken LME tăng vọt hơn 14% trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung thắt chặt khi LME trong tuần trước đã cân nhắc các lệnh cấm với Norilsk Nickel của Nga, công ty khai thác niken top 3 trên thế giới.
Các mặt hàng nông sản nối dài đà suy yếu
Trong khi đó, nhóm nông sản tiếp tục chứng kiến sự suy yếu với 7/7 mặt hàng đồng loạt giảm giá. Giá ngô hợp đồng tháng 12 đã tiếp tục đà lao dốc và ghi nhận mức giảm hơn 6,5% tương đương với gần 40 cents. Mặc dù tăng vọt vào đầu tuần trước nhưng dự báo cho thấy thời tiết khô hạn ở Midwest sẽ được cải thiện trong tuần này đã khiến cho giá ngô liên tục đóng cửa trong sắc đỏ vào 4 phiên giao dịch còn lại.
Cụ thể, mưa được dự báo sẽ xuất hiện ở vùng phía nam Midwest, và chấm dứt thời gian nắng nóng kéo dài trước đó. Thông tin này đã giúp triển vọng mùa vụ Mỹ trở nên tích cực hơn khi cây trồng có cơ hội hồi phục trở lại trong giai đoạn phát triển quan trọng này. Chính vì thế nên lực bán đã hoàn toàn áp đảo đối với ngô trong những phiên cuối tuần.
Ngoài ra, cạnh tranh về nguồn cung trên thế giới cũng là yếu tố góp phần tạo áp lực lên giá. Theo đó, xuất khẩu ngô của Brazil qua các cảng phía nam ở bang Parana đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Khối lượng các lô hàng qua cảng Paranagua đã tăng tới 221% so với cùng kỳ năm ngoái do xung đột ở Biển Đen khiến các quốc gia nhập khẩu phải đi tìm nguồn cung thay thế Ukraine. Con số này dự báo sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh trong giai đoạn ngô vụ 2 Brazil vừa được thu hoạch. Trong tuần này, đà giảm có thể sẽ thu hẹp dần và giá ngô có thể giằng co trên hỗ trợ 550 cents.
Cùng diễn biến với ngô, giá lúa mì hợp đồng tháng 9 đóng cửa tuần giảm hơn 2%. Mặc dù những lo ngại về hạn hán ở Argentina và EU đã khiến cho giá hồi phục vào đầu tuần nhưng lúa mì đã ghi nhận mức lao dốc mạnh trong 2 phiên cuối tuần do kỳ vọng về hoạt động xuất khẩu trở lại tại Biển Đen.
Bảng giá Nông sản |
Cùng với đó, cả ba mặt hàng họ đậu đều tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm. Giá đậu tương đã suy yếu tuần thứ hai liên tiếp trong bối cảnh thời tiết tại Mỹ dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực. Ngoài ra, nhu cầu từ nhập khẩu đậu tương thấp hơn từ Trung Quốc cũng đã tạo sức ép lên giá trong tuần vừa rồi.
Đối với dầu đậu, đây đã là tuần thứ 7 liên tiếp mặt hàng này sụt giảm. Theo Bộ trưởng Thương mại Indonesia, chính phủ đang xem xét loại bỏ Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) đối với các doanh nghiệp xuất khẩu dầu cọ. Điều này dự kiến sẽ tiếp tục khiến cho nguồn cung dầu thực vật nới lỏng hơn là yếu tố đã tạo sức ép lên giá. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, trong tuần này, dầu đậu có thể sẽ giằng co trong khoảng 55 – 61 cents/pound.
Giá dầu vẫn rất khó đoán
Trên thị trường Năng lượng, mặc dù đóng cửa tuần với sắc xanh, nhưng giá dầu có 3 phiên giảm liên tiếp vào cuối tuần trước, vẫn đang phủ bóng đen lên triển vọng giá của nhiều mặt hàng liên quan. Trên sở NYMEX, giá dầu WTI đóng cửa tuần tăng 0,14% lên 94,7 USD/thùng và giá dầu Brent tăng 2% lên 103,2 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm sâu dưới mức 100 USD khi các chỉ số kinh tế quan trọng đều mang đến triển vọng tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia trên thế giới đều đang nhận định giá dầu sẽ vẫn khó đoán trong thời gian tới, bởi còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng về nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung từ thị trường Nga.
Bảng giá Năng lượng |
Cung cấp thêm các thông tin mà các nhà đầu tư hàng hóa cần chú ý trong tuần này, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam - cho biết:
Lịch báo cáo trong tuần |
“Tuần này mọi sự chú ý của thị trường tài chính và hàng hóa toàn thế giới sẽ tập trung vào biên bản họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ FED, sẽ công bố vào lúc 1:00 sáng thứ năm 28/07. Việc FED có tăng lãi suất hay không sẽ có tác động rất lớn tới giá các loại hàng hóa nhạy cảm với kinh tế vĩ mô như dầu thô, bạc, bạch kim, đồng,… Từ đầu năm tới nay, FED đã 3 lần tăng lãi suất với mức tăng tổng cộng 1,5 điểm phần trăm. Giới phân tích đang kỳ vọng FED sẽ tăng thêm 0,75 điểm phần trăm nữa trong biên bản họp tuần này. Nếu FED tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất, kinh tế toàn cầu có thể sẽ rơi vào suy thoái, khi đó giá hàng hóa sẽ bước vào chu kỳ giảm do nhu cầu giảm mạnh.”