Ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023 Thị trường lao động dự báo sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức trong năm 2023 |
Phản ánh hoạt động của nền kinh tế
Đánh giá về thị trường lao động trong nước những tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng, thị trường lao động đã phục hồi tích cực song vẫn còn những tồn tại. Bức tranh thị trường lao động phản ánh đúng hoạt động của nền kinh tế. Cụ thể, dân số Việt Nam mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu người, trong đó trên 51% bổ sung vào lực lượng lao động thì lực lượng lao động tăng lên là đương nhiên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu phát động Tháng Công nhân năm 2023 |
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Cục Việc làm thừa nhận, thị trường lao động trong nước dù đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Nổi bật nhất là chất lượng nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong thị trường lao động. Điều này dẫn đến năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến lạc quan về thị trường việc làm thời gian tới. Ông Gaku Echizenya - Tổng giám đốc Navigos Group (Tập đoàn sở hữu trang tuyển dụng lớn tại Việt Nam) - nhận định, có nhiều tín hiệu kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc vào 2 quý cuối năm 2023. Nhờ có lợi thế của các hiệp định thương mại nên các nhãn hàng đều cam kết khi thị trường phục hồi vẫn tiếp tục gia công ở Việt Nam, đây là tín hiệu tốt về cơ hội phục hồi của thị trường trong nửa cuối năm 2023. Vì thế các doanh nghiệp tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để duy trì việc làm ổn định nhằm giữ chân người lao động, nhất là lao động có tay nghề cao, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi thời gian tới…
Ðể thị trường phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, muốn thị trường lao động phát triển thì kinh tế phải tăng trưởng, vì giữa tăng trưởng kinh tế, sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong bối cảnh khó khăn này, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó phải kể đến các giải pháp để phát triển thị trườngbất động sản, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Khi vốn được bơm ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, thu nhập của người dân tăng, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn, thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ sẽ bù đắp lại một phần do xuất khẩu giảm.
Lao động Việt Nam từng bước đảm nhiệm được những nhiệm vụ phức tạp. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, năng suất lao động được nâng lên |
Xác định những điểm còn hạn chế của thị trường lao động hiện nay và yếu tố cần ưu tiên thúc đẩy trong thời gian tới, tháng 1/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
Nghị quyết nhấn mạnh, thời gian qua dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm cho thị trường lao động ảnh hưởng nặng nề, gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường. Giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội... Do vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương triển khai những giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào con người. Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực.
Cục Việc làm đang thực hiện nghị quyết trên với các giải pháp hỗ trợ phát triển như: Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững; đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động…
Để thị trường lao động phục hồi bền vững, giới chuyên gia cho rằng, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động việc làm, coi đó là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phục hồi nền kinh tế. Việc hình thành một thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại, bền vững và mang yếu tố hội nhập phải đi cùng với xây dựng và phát triển một hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững. Hai vấn đề này phải tiến hành đồng bộ.