Thị trường lao động - Nhiều góc nhìn
Khi tham gia Cộng đồng ASEAN, số việc làm của Việt Nam đến năm 2025 có thể tăng 14,5%. Điều này có nghĩa, Việt Nam có thêm 14,5 triệu lao động tìm được việc làm vào năm 2025. Đây là dự báo khả quan của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về thị trường lao động Việt Nam.
Ở góc độ trong nước, theo ông Doãn Mậu Diệp- Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội- có rất nhiều cơ hội mở ra cho người lao động cũng như người sử dụng lao động Việt Nam khi tham gia Cộng đồng ASEAN. Nếu như trước đây, thị trường lao động Việt nam chỉ bó gọn trong con số 90 triệu dân, thì giờ đây, thị trường lao động ASEAN có quy mô gấp 7 lần, tạo nhiều cơ hội cho lao động tìm việc làm.
Đáng quan tâm hơn, Cộng đồng ASEAN hình thành mở ra cơ hội thu hút nguồn lao động có kỹ năng cao giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN. Việc thông qua các thỏa thuận công nhận kỹ năng lẫn nhau trong 8 lĩnh vực (dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, hành nghề y khoa, nha khoa, kế toán, du lịch) tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động.
Ông Simon Matthews- Giám đốc Công ty đa quốc gia chuyên nghiên cứu về thị trường lao động ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông- cho rằng, lợi ích đáng chú ý của việc ra đời Cộng đồng ASEAN là việc di chuyển tự do của lao động có kỹ năng khi trình độ của lao động được công nhận trong các nước thành viên ASEAN.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, có không ít thách thức chờ đón người lao động Việt Nam. Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, lao động phổ thông Việt Nam không thể có đủ những kỹ năng cần thiết. Bên cạnh đó, lao động đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng có kỹ năng, kiến thức vẫn còn khoảng cách so với nhu cầu của người sử dụng lao động... Đây không phải là sự hẫng hụt của riêng người lao động mà còn là sự thiếu hụt kiến thức, thực hành trong đào tạo mà lâu nay các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề Việt Nam vẫn chưa bù lấp được.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khuyến nghị: Hệ thống giáo dục đào tạo cần liên kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp; doanh nghiệp cần đổi mới quản trị doanh nghiệp, thu hút lao động có chuyên môn, kỹ thuật...
Thu hút lao động có kỹ năng cao từ các nước ASEAN đến Việt Nam thay vì “chảy máu” lao động Việt Nam kỹ năng cao ra nước ngoài là vấn đề phải được quan tâm ngay từ bây giờ, đừng để quá muộn!