Đây là những thông tin tại hội thảo công bố Bản tin thị trường lao động Việt Nam quý II/2018 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức chiều 18/9/2018, tại Hà Nội.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố báo cáo về thị trường lao động quý II/2018 |
Tại Hội thảo, TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, trong quý II/2018, số người có việc làm là 54,02 triệu, tăng 29,9 nghìn người (0,3%) so với quý I/2018 và tăng 619,5 nghìn người (1,16%) so với quý II/2017. So với cùng kỳ năm 2017, cơ cấu người có việc làm là nam tăng lên, chiếm 52,42%; khu vực thành thị cũng tăng nhẹ, chiếm 31,88% tổng số người đang làm việc. Có 23,66 triệu người làm công hưởng lương, chiếm 43,80% trong tổng số lao động có việc làm, tăng nhẹ so với quý 1/2018 là 43,52% và quý 2/2017 là 42,77%. Xét theo ngành kinh tế, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm. Quý II/2018 tỷ lệ này là 38,21% so với 38,56% ở quý I/2018 và 40,44% ở quý II/2017.
Về biến động lao động đang làm việc so với quý 1/2018, trong quý 2/2018, số người làm việc trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm nhiều nhất (giảm 179 nghìn người); tiếp đến là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo (giảm 123 nghìn người); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm 42 nghìn người) và ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 40 nghìn người). Các ngành có số người làm việc tăng nhiều nhất là bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (tăng 122 nghìn người), xây dựng (tăng 116 nghìn người); giáo dục - đào tạo (tăng 63 nghìn người) và dịch vụ lưu trú, ăn uống (tăng 21 nghìn người).
Đáng chú ý theo báo cáo của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thu nhập của lao động làm công hưởng lương giảm nhẹ so với quý I/2018, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Quý II/2018, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,62 triệu đồng, giảm 166 nghìn đồng (-2,9%) so với quý I/2018 và tăng 223 nghìn đồng (4,13%) so với cùng kỳ năm 2017. Thu nhập của người lao động trong hầu hết các ngành đều giảm so với quý I/2018 (trừ ngành xây dựng và nghệ thuật vui chơi giải trí tăng nhẹ, 1,55% và 1,39%), trong đó giảm nhiều nhất là ngành khai khoáng (-14,9%); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (-6,26%), tuy nhiên vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Lao động làm công hưởng lương có trình độ đại học có thu nhập cao nhất (7,87 triệu đồng), tiếp theo là nhóm có trình độ sơ cấp (6,51 triệu đồng). Thu nhập của tất cả các nhóm chuyên môn kỹ thuật đều giảm so với quý I/2018, trong đó giảm cao nhất là nhóm có trình độ sơ cấp (-6,36%) và nhóm có trình độ đại học trở lên (-5,7%).
Về tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, khảo sát cho thấy số lượng và tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ so với quý I/2018 và cùng kỳ năm trước. Thất nghiệp ở nhóm thanh niên tăng nhẹ. Quý II/2018, cả nước có 1.061,5 nghìn người trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 5,6 nghìn người so với quý I/2017 và 20,1 nghìn người so với cùng kỳ 2017. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm nhẹ còn 2,19%. Số người thất nghiệp dài hạn (12 tháng trở lên) chiếm 34,93% tổng số người thất nghiệp.
Về diễn biến của thị trường lao động cả nước những tháng tới đây, Bộ LĐ- TB&XH nhìn nhận, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được ký kết và được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, xu hướng ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp sẽ là những yếu tố tác động đến cấu trúc thị trường lao động.
Liên quan đến triển vọng thị trường lao động quý III/2018, dự báo tổng số lao động có việc làm đạt khoảng 54,26 triệu người, tăng 237 nghìn người (0,44%) so với quý II/2018 và tăng 0,91% so với cùng kỳ năm 2017. Một số ngành tiếp tục tăng nhu cầu lao động với mức tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất đồ uống; dệt; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; thoát nước và xử lý nước thải. Một số ngành dự báo nhu cầu lao động sẽ giảm như: nông lâm thủy sản; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên; khai khoáng khác; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất xe có động cơ; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.