Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm: Vẫn còn nhiều bất cập
Sau hơn 2 tháng thí điểm giá điện đã phản ánh đúng quy luật thị trường.
- Chào giá vẫn còn lúng túng
Tại Hội nghị đánh giá công tác vận hành thị trường VCGM thí điểm do Bộ Công Thương tổ chức ngày 16/8 tại Hà Nội, ông Đặng Huy Cường- Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (ERAV)- khẳng định, hầu hết các nhà máy đều nghiêm túc thực hiện các quy định của thị trường và quen dần với các phần mềm chào giá. Chất lượng chào giá của các đơn vị dần được cải thiện. Giá điện thị trường được thiết lập qua cơ chế cạnh tranh đang dần phản ánh đúng quan hệ cung cầu, đó là giá điện thị trường các giờ cao điểm cao hơn các giờ thấp điểm.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành vẫn còn rất nhiều hạn chế. Kết quả thống kê từ ERAV cho thấy, mỗi tháng có tới 7- 8 bản chào lỗi và trên chục bản chào thiếu. Những lỗi thường gặp là chào giá chưa đúng quy định, bản chào không công bố đúng công suất thực tế của tổ máy. Có những tổ máy đang thí nghiệm, chưa vào vận hành hoặc sửa chữa nhưng vẫn có bản chào có công suất. Có nhà máy gửi bản chào công suất công bố cao hơn thực tế huy động hoặc giá chào chưa hợp lý dẫn đến giờ thấp điểm phải ngừng máy hoặc tăng giảm tải tổ máy liên tục trong các chu kỳ tính toán. Nhiều nhà máy thủy điện chưa chào đúng theo giá trị nước hoặc chào giá cao nên không được huy động hoặc chỉ được huy động trong giờ cao điểm ngày hoặc giờ thấp điểm đêm, mặc dù đang ở mùa lũ, nước về nhiều.
Bên cạnh đó, thông tin về tính toán thanh toán chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn cho các đơn vị phát điện trong tính toán các chiến lược chào giá. Hệ thống mạng WAN thị trường, SCADA/EMS chưa được trang bị đầy dủ tại các đơn vị. Hệ thống phần mềm của A0 không có dự phòng nên có lúc bị treo khiến các đơn vị không gửi được bản chào. Thông tin trên trang web của cơ quan vận hành thị trường đôi khi còn chậm. Thậm chí, một số nhà máy bị sự cố phần mềm chào giá đã thực hiện chào giá qua email nhưng vì không liên lạc trước với kỹ sư vận hành thị trường nên bản chào qua email không được chấp nhận. Trong khi chào giá theo bản chào, sản lượng điện của các nhà máy còn nhiều sai lệch giữa sản lượng thị trường và sản lượng huy động thực tế. Bên cạnh nguyên nhân do lỗi hệ thống phần mềm còn có nguyên nhân do doanh nghiệp chưa quen nên còn lúng túng.
Đó là chưa kểnhững vấn đề phát sinh mà các quy định trong thông tư 18 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh đã không tính toán hết. Ví dụ, quy định “cứng” biểu đồ phát điện của các nhà máy thủy điện lớn đa mục tiêu như thuỷ điện Hòa Bình, Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Đa Nhim… dẫn đến khó điều tiết linh hoạt lịch huy động các tổ máy trong trường hợp phụ tải cao hơn dự kiến. Với nhiệm vụ đảm bảo phục vụ tưới tiêu, cấp nước cho nông nghiệp vùng hạ du, các nhà máy này rất khó duy trì sản lượng hợp đồng đã đăng ký.
Cần công khai minh bạch về giá điện
Sau hơn hai tháng thí điểm thị trường VCGM, giá điện đã phản ánh đúng quy luật của thị trường là đang mùa lũ có nguồn thủy điện giá rẻ chiếm ưu thế nên giá thị trường không cao. Vào giờ bình thường, giá chào trung bình trên thị trường phát điện (chưa tính giá truyền tải, phân phối) của tháng 7 là 538/kWh, tháng 8 là 723 đồng/kWh và tăng lên 757 đồng/kWh vào tháng 9. Giờ cao điểm, mức giá chào trung bình tháng 9 lên tới 817 đồng/kWh (xấp xỉ mức giá trần 900đồng/kWh theo quyết định 64/QĐ-ĐTĐL của ERAV).Theo quy định mới của ERAV, từ 1.8.2011, giá trần của thị trường sẽ tăng lên 1.400đ/kWh (cao hơn giá bán bình quân). Lý do là giá điện hiện nay chưa theo kịp thị trường nên giá trần phát điện đang có xu hướng tăng chứ ít có khả năng giảm, nhất là vào mùa khô phụ tải tăng cao hay tình trạng khí Nam Côn Sơn bị cắt hoàn toàn buộc EVN phải huy động các nhà máy điện chạy dầu như hiện nay thì giá trần sẽ tăng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề này cần được công khai minh bạch trên thị trường để dư luận hiểu và tránh những phản ứng không thuận, đó là ý kiến của bà Nguyễn Kim Oanh (Cty CP thủy điện Sông Côn).
Còn đại diện Cty CP thủy điện Thác Mơ thì cho rằng, QĐ 24 của Thủ tướng Chính phủ là “cái van” điều tiết thị trường cho phép điều chỉnh giá điện theo sự biến động của tỉ giá, giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện phát. Nếu EVN làm tốt điều này thì các Cty phát điện cũng được điều chỉnh giá điện theo. Trường hợp EVN không tận dụng được quyền điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi thì rủi ro sẽ thuộc về các Cty phát điện.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại cho rằng, mặc dù giá trần cao hơn giá điện bình quân nhưng không phải lúc nào cũng áp được giá trần nên vấn đề này không đáng ngại. Điều lo lắng nhất của các nhà đầu tư là hôm nay chào giá cao, ngày mai chào giá thấp dẫn đến doanh thu khó cao hơn thời điểm chưa tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
Xung quanh hiệu quả hoạt động của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đại diện của VINACONEX P&C cho rằng, cần sớm hoàn thiện hạ tầng hoạt động của thị trường, hoàn thiện các thông tin trên website thị trường điện theo quy định để các đơn vị tiếp cận và áp dụng trước khi thị trường điện cạnh tranh chính thức vận hành.
Tích cực chuẩn bị cho thị trường VCGM hoàn chỉnh
Theo kế hoạch, từ 1/1/2012 sẽ chính thức vận hành thị trường VCGM hoàn chỉnh. Thời gian chỉ còn hơn 3 tháng trong khi còn rất nhiều việc phải làm. Để làm tốt công tác chuẩn bị, ERAV chỉ đạo, trước ngày 20/9 tới, EVN phải cung cấp thông số kỹ thuật thiết bị và các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu phục vụ thị trường điện tại thuộc phạm vi đầu tư các nhà máy điện. Phối hợp với các đơn vị hoàn thiện và lắp đặt thiết bị phục vụ thu thập số liệu đo đếm. Chỉ đạo EVN Telecom hoàn thiện hệ thống kết nối trung tâm WAN đảm bảo kết nối đến tất cả các đơn vị tham gia thị trường. Trước 1/1/2012, EVN phải hoàn thiện việc chuyển đổi hợp đồng mua bán điện; đào tạo, tập huấn cho các đơn vị để tham gia thị trường chính thức.
Ngọc Loan