Thị trường xăng dầu: Nhìn từ kỳ điều hành ngày 30/1/2023
Kỳ điều hành của thị trường xăng dầu ở thời điểm gần nhất do trùng với thời điểm Tết nguyên đán do vậy theo thông lệ sẽ chuyển sang ngày 1/2/2023. Tuy nhiên, trước những diễn biến cả trong và ngoài nước của thị trường xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng có văn bản trình Chính phủ cho phép điều chỉnh giá xăng dầu vào 19h ngày 30/1/2023.
Có thể thấy được những gì từ động thái của kỳ điều hành này của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng? Diễn tiến được thị trường xem là “bất ngờ” này nói lên điều gì?
Trước hết có thể thấy phương án điều hành giá xăng dầu kỳ này vẫn bảo đảm việc “một mũi tên trúng nhiều đích” khi hướng tới thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường; bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra thực tế công tác kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp (Ảnh: www. dms.gov.vn) |
Cùng đó bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Kỳ điều hành vào tối ngày 30/1/2023 được diễn ra trong bối cảnh khác với cùng kỳ năm 2022. Năm nay thị trường xăng dầu thế giới ghi nhận việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để phòng chống đại dịch COVID-19; tác động của việc áp dụng giá trần do phương Tây áp đặt lên dầu mỏ của Nga; đồng USD yếu hơn cộng với việc OPEC+ được dự báo sẽ giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tiếp tục được cải thiện;…
Các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng. Đây cũng là các diễn biến được Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý đã chủ động theo dõi sát để cập nhật tình hình, cập nhật các phương án điều chỉnh giá.
Điều được mô tả là “bất ngờ” của kỳ điều hành ngày 30/1/2023 không có gì khác hơn là sự linh hoạt trong điều hành thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan. Còn nhớ thời điểm này năm 2022, tuy nguồn cung cơ bản được bảo đảm song trên thực tế ở một số địa phương đã xảy ra việc khan hiếm, đứt gãy nguồn cung. Diễn biến đó của thị trường đã cung cấp cho các cơ quan điều hành nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong điều hành như một “key study” của thị trường xăng dầu nói riêng và thị trường nội địa nói chung.
Một bài học nổi bật ở đây là bên cạnh sự vào cuộc chủ động hơn, linh hoạt hơn của cơ quan điều hành là việc duy trì kỷ luật thị trường, chấn chỉnh và xử lý nghiêm đến nơi đến chốn theo đúng pháp luật những cây xăng có biểu hiện “gây nhiễu” để tạo một hiệu ứng domino một cách không cần thiết cho thị trường, nhất là với một mặt hàng chiến lược, nhạy cảm như xăng dầu.
Trên thực tế những ngày trước kỳ điều hành ngày 30/1/2023, thực hiện Công điện số 383/CĐ-BCT ngày 20/1/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, công tác kiểm tra kiểm soát thị trường xăng dầu đã được lực lượng Quản lý thị trường cả nước vào cuộc một cách quyết liệt, trách nhiệm 24/7 kể cả ngày nghỉ lễ và đây vẫn sẽ là một công việc trọng tâm của lực lượng trong cả năm 2023.
Tại nhiều địa phương, các cây xăng có biểu hiện đóng cửa một cách bất thường hoặc có biểu hiện tạo “sóng” bất lợi cho thị trường, không tuân thủ các quy định đều đã được xử lý nghiêm.
Đáng chú ý trong bối cảnh Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao khẩn trương rà soát, tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 và Nghị định số 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, thực tiễn của kỳ điều hành ngày 30/1/2023 có thể cung cấp những dữ liệu quan trọng và cần thiết để việc sửa đổi bổ sung hai nghị định nói trên đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Động thái linh hoạt của cơ quan điều hành thị trường xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 30/1/2023 cũng góp phần “giải mã” làm rõ nhiều nội dung cần thiết của một công đoạn gần thị trường nhất là hoạt động của các cây xăng. Một số chuyên gia gợi ý việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định 83 và 95 tới đây cần thiết phải bổ sung các quy định về cung cấp dịch vụ công với các cây xăng để có thể “cột” trách nhiệm của khâu kinh doanh này để không còn có thể tuỳ tiện xảy ra việc “thích thì bán, không thích thì ngừng”.
Tư duy, động thái điều hành linh hoạt là đòi hỏi cần thiết nhưng công cụ điều hành cũng rất cần sự chuyên nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong năm 2023, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt trong năm 2023, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao, bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường trong nước, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu, bảo đảm phù hợp với thực tế phát sinh để khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.
Một nhiệm vụ nữa được Bộ Công Thương thực hiện là theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới để có giải pháp điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thị trường xăng dầu trong nước và thế giới có thể còn có nhiều diễn biến khó lường song có thể khẳng định Nhà nước có đủ nguồn lực, đủ công cụ để bình ổn thị trường, bảo đảm thị trường xăng dầu phục vụ cho nhu cầu của nền kinh tế và đời sống của nhân dân.