Thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 8, Việt Nam xuất khẩu được 10.175 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,6 triệu USD, so với tháng 7 lượng xuất khẩu tăng 19,8%, kim ngạch tăng 20,3%.
Từng là cây trồng chỉ để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, không ai để tâm chăm sóc, ngày nay, cây quế đã giúp bà con ở miền núi phía Bắc làm giàu (ảnh Nguyễn Hạnh) |
Xuất khẩu sang Ấn Độ chiếm tỷ trọng lớn nhất chiếm 55,9% đạt 5.690 tấn và tăng 35,2% so với tháng trước. Prosi Thăng Long và Rừng Xanh T&K tiếp tục là 2 doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu đạt 1.270 tấn và 922 tấn...
Như vậy, đến hết tháng 8/2023, Việt Nam xuất khẩu được 61.852 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 183,4 triệu USD, tăng 24,9% về lượng và 2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu quế trung bình 8 tháng đầu năm 2023 đạt 2.965 USD/tấn, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu gồm: Prosi Thăng Long đạt 10.321 tấn, tăng 6,6%; Rừng Xanh T&K đạt 4.595 tấn, tăng 68%, Senspice đạt 3.745 tấn, tăng 74,3%, Gia vị Sơn Hà đạt 3.059 tấn, giảm 8,8%… so với cùng kỳ năm ngoái.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam chiếm 44,1% đạt 27.280 tấn, tăng 34% so với năm trước. Tiếp theo là các thị trường Hoa Kỳ và Bangladesh.
Ở chiều ngược lại, theo thống kê sơ bộ của VPA, trong tháng 8/2023 Việt Nam đã nhập khẩu 711 tấn quế, kim ngạch đạt 2,2 triệu USD, so với tháng trước lượng nhập khẩu giảm 18,3%. Trung Quốc và Indonesia là 2 quốc gia cung cấp chủ yếu cho quế Việt Nam chiếm 56,5% và 35,6%.
Như vậy, tính đến hết 31/8/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 12.711 tấn quế, kim ngạch đạt 33,1 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng nhập khẩu tăng 18,2% tương đương 1.955 tấn. Trung Quốc và Indonesia là 2 quốc gia cung cấp quế chủ yếu cho Việt Nam đạt 10.972 tấn và 1.239 tấn.
Theo các doanh nghiệp trong ngành, mặc dù, do tác động của đại dịch, lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị giảm, tuy nhiên, nhu cầu của các sản phẩm gia vị của Việt Nam nói chung và quế nói riêng vẫn giữ vững phong độ.
Nguyên nhân do, nhóm ngành hàng này của Việt Nam thông thường không chỉ phục vụ cho nhóm các ngành hàng gia vị mà trong đó họ còn sử dụng trong nhiều công dụng khác nhau. Ví dụ, như họ dùng trong ngành thực phẩm, đồ uống như rượu, các loại trà, thảo dược.
Nhất là trong bối cảnh mọi người quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn thì việc tiêu thụ các sản phẩm này sẽ nhiều hơn.
Ngoài ra, quế còn được các doanh nghiệp bán cho các đơn vị chuyên làm các loại thuốc, thực phẩm chức năng, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho chị em phụ nữ.
Đây là 2 nhóm ngành hàng được đánh giá là có xu hướng phát triển mạnh trong thời gian sau đại dịch.
Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và đặc biệt gia vị của Việt Nam do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên hương và vị trong tiêu, quế, hồi có những sự khác biệt so với các thị trường khác trên thế giới.