Thiết bị kiểm soát an toàn thực phẩm: Thiếu và yếu
Tin hoạt động 25/06/2015 08:57
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế
Năng lực quản lý yếu
Ông Nguyễn Thế Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ năm 1993 – 2015, Việt Nam được các tổ chức quốc tế hỗ trợ 12 dự án ATTP, trong đó 7 dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ quản; 3 dự án do Bộ Y tế chủ quản; 2 dự án do UBND tỉnh Quảng Bình thực hiện. Còn 6 dự án đang tiếp tục triển khai thực hiện. Các dự án đã được triển khai theo đúng nội dung ký kết tại các hiệp định, góp phần nâng cao chất lượng ATTP.
Tuy nhiên, hiện nay các nguồn vốn viện trợ trong lĩnh vực này còn rất hạn chế, chủ yếu tập trung cho các hoạt động phục vụ công tác chuyên môn. Trong khi đó, vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị… còn thấp.
Đồng quan điểm này, đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, các bộ máy quản lý ATTP hiện nay chưa được kiện toàn, hệ thống trang thiết bị cần thiết chưa được hiện đại hóa. Bên cạnh đó, các cơ sở nghiên cứu cũng như thể chế nghiên cứu chưa được hoàn thiện.
Bà Victoria Kwakwa đánh giá hiệu quả các dự án hỗ trợ tại Việt Nam
Đại diện các nhà tài trợ, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, vấn đề ATTP là vấn đề nóng gây tổn hại tới kinh tế - xã hội và cả hợp tác quốc tế nhất là khi Việt Nam tham gia sâu vào hội nhập. Chẳng hạn như việc lô chè xuất khấu của Việt Nam bị EU trả về vì liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đã làm ảnh hưởng lớn tới thương hiệu cũng như uy tín của Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết cơ hội do các nguồn dự án hỗ trợ đem lại. Hiệu quả của các dự án chưa tương xứng với nhu cầu và mong muốn của người dân.
Đồng tình với quan điểm này, đại điện các tổ chức quốc tế đều cho rằng, năng lực quản lý của Việt Nam còn yếu, chưa có sự phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, đây là một thách thức lớn của Việt Nam. Đại sứ Canada cũng cho rằng, cần biết chúng ta đang ở đâu, hiện trạng, cơ hội, thách thức là gì thì mới có thể triển khai thực hiện có hiệu quả nhất, có kế hoạch hành động và thời gian cụ thể. Hiện nay Việt Nam chưa có sự rõ ràng về trách nhiệm của các bộ, ban, ngành về lĩnh vực này.
Sử dụng tiền hỗ trợ có hiệu quả hơn
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) kiến nghị, Chính phủ, các tổ chức quốc tế trong thời gian tới tăng cường đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là đối với một số đề án/hoạt động đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên chưa có kinh phí để triển khai.
Nâng cao hơn nữa năng lực cho cơ quan quản lý ATTP
Thứ trưởng Bộ Công Thương – Hồ Thị Kim Thoa cũng phản ánh, hiện nay Bộ chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ các tổ chức quốc tế ở cả 2 lĩnh vực ATTP mà Bộ quản lý là chế biến công nghiệp thực phẩm và lưu thông. Trong đó, vấn đề trang thiết bị kiểm soát lưu thông hàng hóa liên quan đến ATTP còn yếu, năng lực kiểm soát còn hạn chế.
Theo bà Victoria Kwakwa, vấn đề ATTP là trách nhiệm của nhiều bộ ngành nhưng cần có đầu mối chịu trách nhiệm về vấn về này. “Muốn đảm bảo tiền tài trợ được thực hiện có hiệu quả. Phải kiểm tra các dự án xem hiệu quả thế nào để có thể tiếp tục triển khai nữa hay không.” - bà Victoria Kwakwa nói.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, mặc dù lĩnh vực quản lý ATTP ở nước ta đã được các Bộ, ban ngành đầu tư và chú trọng. Vấn đề chất lượng vệ sinh ATTP cũng đã được quan tâm, cải thiện. Tuy nhiên, vấn đề quản lý VSATTP ở nước ta vẫn còn tồn tại những “lỗ hổng” cần phải xử lý.
Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, các tổ chức quốc tế đã tài trợ cho nhiều dự án về an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng. Để thắt chặt hơn nữa sự liên kết và hợp tác có hiệu quả trong công tác quản lý ATTP, Phó Thủ tướng mong muốn các nhà tài trợ có nhiều hơn nữa các dự án về vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể đi vào từng mặt hàng để tạo sự chuyển biến rõ nét hơn.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị, trong thời gian tới các bộ, ngành tăng cường năng lực của hệ thống chính trị đối với các cơ quan quản lý ATTP. Cùng với đó, các bộ rà soát lại hệ thống thiết bị các phòng thí nghiệm và có đề suất cụ thể để việc sử dụng đồng tiền từ ngân sách cũng như hỗ trợ của các tổ chức quốc tế có hiệu quả.