Hướng tới mục tiêu thương mại song phương 300 tỷ USD
Ngày 20/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci đã cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất với EU trong việc điều chỉnh Hiệp định Liên minh Thuế quan giữa hai đối tác này. Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, phạm vi của bản Hiệp định được điều chỉnh này sẽ được mở rộng sang cả những lĩnh vực như dịch vụ, nông nghiệp hay mua sắm công.
Đây có thể được xem như một nước đi gây bất ngờ với nhiều người, khi cách đây không lâu các quan chức cao cấp của Ankara còn lên tiếng đe dọa sẽ rút khỏi Liên minh Thuế quan. Một trong những nguyên nhân chính đến từ Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) mà EU đang đàm phán với Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia Hiệp định Liên minh Thuế quan với EU từ năm 1995 nhưng không được tham gia đàm phán và trở thành một bộ phận của TTIP.
Điều này dẫn tới việc hàng hóa xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ tới Hoa Kỳ không được hưởng lợi từ TTIP trong khi Thổ Nhĩ Kỳ phải dành những ưu đãi thuế quan cho hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ theo những quy định của Hiệp định Liên minh Thuế quan nêu trên. Điều này không chỉ xảy ra khi EU ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hoa Kỳ mà mỗi khi EU ký FTA với bất kỳ nước nào Thổ Nhĩ Kỳ đều phải đối mặt với vấn đề này và trong thực tế Thổ Nhĩ Kỳ đã gánh chịu một số thiệt hại. Để tránh lặp lại tình hình này, Thổ Nhĩ Kỳ luôn cố gắng yêu cầu trở thành một phần trong các FTA mà EU sẽ ký kết hoặc mong muốn đàm phán đồng thời FTA cùng EU với các nước đối tác. Nếu như hiệp định TTIP giữa Hoa Kỳ và EU được thông qua mà không có điều khoản nào được thay đổi, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nước chịu thiệt.
Song giờ đây, EU và Mỹ đã đồng ý điều khoản "hiệp định này sẽ tự động có hiệu lực với tất cả các thành viên của Liên minh Thuế quan với EU" mà Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị đưa vào trong TTIP. Thông tin trên đã được Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Volkan Bozki chính thức xác nhận. Động thái này đã cởi nút thắt cho những khúc mắc và giúp cho việc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Là người đứng đầu các cuộc đối thoại của Thổ Nhĩ Kỳ với EU, ông Bozki cho biết: "Chúng tôi muốn mở rộng Hiệp định Liên minh Thuế quan sang lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và mua sắm công. Những cuộc đàm phán mới để tái cơ cấu sẽ được bắt đầu vào cuối năm nay và mục tiêu thương mại song phương 300 tỷ USD sẽ sớm thành hiện thực". Theo đánh giá từ giới phân tích Thổ Nhĩ Kỳ, việc mở rộng phạm vi Liên minh Thuế quan sẽ làm giảm tình trạng tham nhũng cũng như tăng tính cạnh tranh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bước đệm nhằm gia nhập EU
Ngày 26/3/2015, ông Bozki đã phát biểu trong một cuộc họp tại Rome: "Liên minh Châu Âu không thể nói không với Thổ Nhĩ Kỳ. Các hệ quả sẽ là tiêu cực đối với Châu Âu chứ không phải với chúng tôi". Vấn đề mà ông Bozki nói tới là việc xin gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã được khởi đầu từ năm 1989 và chính thức đàm phán từ năm 2005.
Sự tự tin của Thổ Nhĩ Kỳ là có cơ sở, tới từ việc nước này sở hữu tiềm lực kinh tế mạnh hơn so với nhiều nước thành viên của EU hiện tại. Theo số liệu từ Viện thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, trong năm 2014 nước này đã xuất khẩu số hàng hóa trị giá 68,5 tỷ USD sang EU và nhập khẩu 88,7 tỷ USD.
Việc mở rộng phạm vi của Liên minh Thuế quan cho thấy tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong mắt EU. Trong tương lai gần, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn là một đối tác chiến lược của EU trong lĩnh vực năng lượng. Nhờ vị trí địa lý đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ là trạm trung chuyển năng lượng giữa Châu Âu và Châu Á với dự án "Đường ống ga tự nhiên xuyên lục địa Anatolia" (TANAP). Trong tình trạng Nga đang chịu lệnh trừng phạt về nhiều mặt từ Hoa Kỳ và EU, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một đối tác thay thế lý tưởng và đáng tin cậy nhờ những điều kiện đang sở hữu. Điều này đem lại lợi thế cho Thổ Nhĩ Kỳ trên bàn đàm phán để gia nhập EU và giờ đây nước này đã "làm xong phận sự của mình" theo như lời của ông Bozki.