Thanh Hóa: Mực nước nhiều sông dâng cao, sạt lở đất, hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp Hàng nghìn hộ dân ở thành phố Thanh Hóa bị ngập trong nước lũ |
Mưa lũ gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, đến sáng nay 24/9/2024, mưa lũ đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể, có 171 nhà bị thiệt hại (Mường Lát 11 nhà; Quan Sơn 94 nhà, Quan Hoá 49 nhà; Thường Xuân 17). Trong đó, có 170 nhà bị thiệt hại do sạt lở đất, 01 hộ bị tốc mái (huyện Mường Lát); 04 nhà di dời khẩn cấp (Quan Hoá 02 nhà, Mường Lát 02 nhà).
Mưa lũ đã làm 171 nhà bị thiệt hại. Ảnh: CAND |
Về nông nghiệp, lâm nghiệp, mưa lũ đã làm 403,56 ha lúa bị ngập (Quan Sơn 14,5ha; Thường Xuân 114,8ha; Lang Chánh 4,5ha; Ngọc Lặc 1ha; Thạch Thành 206,76ha; Yên Định 62ha) và 40,81 ha bị thiệt hại (Mường Lát 0,1ha; Quan Hoá 20,55ha; Bá Thước 20,16ha). Có 992,12 ha hoa màu, rau màu bị ngập (Thường Xuân 121,60ha; Ngọc Lặc 42ha; Thạch Thành 14,71ha; Thiệu Hoá 300ha; Yên Định 279,01ha; Hậu Lộc 34,8ha; Hoằng Hoá 200ha) và 22,28ha bị thiệt hại (Bá Thước); Diện tích cây trồng lâu năm, có 2,3 ha bị thiệt hại (Quan Hoá 1,9 ha; Bá Thước 0,4ha) và 13ha bị ngập (Thạch Thành); 646,01 ha cây trồng hàng năm bị ngập và 39,1 ha bị thiệt hại; 07 con bò bị chết và 1.250 con gia cầm bị chết (Thường Xuân); 334 ha ao cá truyền thống bị ngập (Thường Xuân 1,31ha; Hoằng Hóa 250ha; Yên Định 23,8ha; Thiệu Hoá 6,8ha; Thạch Thành 46,37ha; Bá Thước 5,18ha; Quan Hoá 0,1ha) và 525m3 lồng bè bị cuốn trôi (Thường Xuân 513m3; Bá Thước 12m3).
Ngoài ra, mưa lũ đã làm 11 điểm trường bị ảnh hưởng. Cụ thể, Quan Sơn 03 điểm: Trường Tiểu học Sơn Thủy; Trường THCS Sơn Hà và Trường PTDT nội trú huyện; Mường Lát 02 điểm: Trường mầm non Chiềng Cồng và Trường PTDT bán trú - THCS Trung Lý; Quan Hoá 02 điểm: Trường THCS bán trú bản Éo, xã Phú Xuân và Trường THCS Thành Sơn, bản Sơn Thành; Lang Chánh 02 điểm: Trường THCS Lâm Phú tiếp tục diễn biến sạt lở hư hỏng; Trường mầm non Giao Thiện khu Pọong; Bá Thước 01 điểm: Trường Tiểu học Thành Lâm, khu Bầm bị nứt tường, ngấm trần 04 phòng học. Thiệu Hoá 01 điểm: Trường Tiểu học xã Thiệu Phú bị đổ tường rào. Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại 30m kênh mương bị sạt trôi hư hỏng (Mường Lát); 5m kè sông Luồng tại bản Bo Hiềng, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn bị xói mòn vào chân bờ kè; 100m bờ sông Mã thôn Ngọc Sinh xã Lương Ngoại huyện Bá Thước bị sạt lở 02 sự cố đê điều, hiện đã xử lý xong.
Đối với giao thông, mưa lũ đã làm sạt lở taluy dương, taluy âm, sạt lở sa bồi mặt đường, rãnh dọc tại 183 vị trí với chiều dài 12m, khối lượng 60.009m3; 04 điểm bị ngập mặt đường, gây tắc đường (QL15/01 vị trí; QL217/01 vị trí; 217B/02 vị trí)… Mưa lũ cũng đã làm 05 cột điện trung thế và 16 cột điện hạ thế bị đổ, gãy. Riêng tại huyện Quan Sơn, đổ 03 vị trí cột đôi điện Trung thế tại bản Chung Sơn, xã Sơn Thuỷ, gây mất điện toàn xã Sơn Thuỷ. Đến 22h ngày 23/9/2024: 05/11 bản đã có điện.
Hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập úng trong lũ. Ảnh: Hoàng Minh. |
Để chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở đất, đá và ngập lụt, tính đến 23h ngày 23/9/2024, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chủ động sơ tán 3.162 hộ/12.725 khẩu (Quan Sơn 150 hộ/661 khẩu; Thường Xuân 303 hộ/1.185 khẩu; Quan Hoá 264 hộ/1.009 khẩu; Mường Lát 464 hộ/2.142 khẩu; Lang Chánh 16 hộ/72 khẩu; Bá Thước 110 hộ/479 khẩu; Ngọc Lặc 37 hộ/133 khẩu; Thạch Thành 142 hộ/568 khẩu; Thọ Xuân 252 hộ/953 khẩu; thành phố Thanh Hóa 253 hộ/1.527 khẩu; Cẩm Thủy 196 hộ/720 khẩu; Vĩnh Lộc 294 hộ/1.078 khẩu; Thiệu Hóa 246 hộ/945 khẩu; Hà Trung 173 hộ/368 khẩu; Hoằng Hóa 137 hộ/417 khẩu; Yên Định 49 hộ/196 khẩu; Hậu Lộc 76 hộ/272 khẩu).
Điều động gần 2.200 cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ nhân dân vùng lũ
Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa cho thấy, ngay sau khi xảy ra thiên tai, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ Nhân dân tu sửa nhà cửa bị thiệt hại, chăm sóc diện tích cây trồng bị hư hại sớm ổn định đời sống Nhân dân; tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các hộ phải đi sơ tán/di dời; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở; không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng tham gia ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ảnh: Hoàng Minh. |
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều động gần 2.200 cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ Nhân dân ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, như: Tu sửa nhà cửa, khôi phục sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ dọn dẹp sạt lở đất trên các tuyến đường, điều tiết giao thông trên các tuyến đường, canh gác tại các ngầm tràn...
Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với UBND các địa phương và đơn vị liên quan huy động lực lượng, vật tư, phương tiện dọn dẹp vị trí sạt lở giao thông, cử người canh gác, lập rào chắn, biển báo phân luồng giao thông đối với những vị trí nguy hiểm, gây tắc đường. Công ty Điện lực Thanh Hoá đã triển khai các biện pháp khắc phục các sự cố đổ, gãy, nghiêng cột điện; chủ động cắt điện đối với những khu vực bị ngập sâu để đảm an toàn...
Sớm khắc phục thiệt hại do mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân
Để chủ động ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây ra, sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống Nhân dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã banh hành Công điện số 16-CĐ/TU ngày 23/9/2024 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn kiểm công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Cẩm Thủy, Bá Thước. Ảnh: Phong Sắc. |
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cầu Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn, các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, các Công điện số 22/CĐ-UBND ngày 19/9/2024, số 23/CĐ-UBND ngày 23/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về ứng phó với bão số 4 và mưa lũ... Phân công các đồng chí lãnh đạo huyện và các phòng, ban, đơn vị có liên quan trực tiếp xuống địa bàn các xã, phường, thị trấn để theo dõi, nắm chắc diễn biến của mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước trên địa bàn.
Đối với các địa phương có đê, khẩn trương chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn phân công, tổ chức lực lượng (nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng lao động tại địa phương) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ phận chuyên trách quản lý đê điều của Trung ương, của Tỉnh trên địa bàn để triển khai công tác tuần tra, canh gác đê, bảo vệ đê ngay khi có báo động lũ từ cấp I trở lên, bảo đảm theo đúng quy; phát hiện, báo cáo kịp thời về các hư hỏng của đê điều đến các cơ quan chức năng, đặc biệt là các hư hỏng, sự cố có nguy cơ đe dọa an toàn của công trình để tổ chức khắc phục, xử lý ngay từ những giờ đầu, bảo đảm tuyệt đối an toàn các công trình đê điều trên địa bàn toàn tỉnh.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đang khẩn trương hướng dẫn các địa phương khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ. Bên cạnh đó, sở cũng yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp; đảm bảo an toàn cho công trình đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai; thành lập tổ công tác thường trực để phối hợp chỉ đạo xử lý các sự cố công trình đê điều tại hiện trường.