Đã giao nhiệm vụ với các mốc thời gian cụ thể
Tại buổi họp báo Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, phóng viên Vuasanca đặt câu hỏi về việc, dù đã thí điểm thành công sóng 5G tại Hồ Gươm và một số điểm khác nhưng Việt Nam vẫn chưa lọt vào danh sách các quốc gia chính thức thương mại hóa 5G.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ thương mại hóa mạng 5G trong năm 2023 bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất. Tuy nhiên, có một số lo ngại về thời điểm thương mại hóa công nghệ 5G có khả năng sẽ bị trễ hẹn.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông |
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc thương mại hóa mạng 5G sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: Phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, là nền tảng từng bước phát triển các ứng dụng, dịch vụ của 5G, nâng cao nhu cầu thị trường, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Việc thương mại hóa mạng 5G dựa trên cơ sở đấu giá và cấp phép băng tần triển khai 5G và cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho các doanh nghiệp.
“Lộ trình thương mại hóa 5G diện rộng chỉ được xác định khi đấu giá tần số 5G thành công. Hiện nay thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G đã trở nên rẻ và phổ biến hơn nhiều so với 2-3 năm trước đây” - ông Nguyễn Phong Nhã cho hay.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký quyết định số 1652/QĐ-BTTTT ngày 28/8/2023 về kế hoạch thực hiện thương mại hóa 5G, trong đó đã giao nhiệm vụ với các mốc thời gian cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ để tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số, cấp giấy phép cho doanh nghiệp trúng đấu giá vào cuối năm 2023.
Khoảng 2,8 triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ thử nghiệm 5G
Liên quan đến dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi), vừa qua tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng đã cho ý kiến, tuy nhiên vấn đề về đấu giá kho số viễn thông cũng nhận được nhiều ý kiến.
Đại diện Cục Viễn thông cho hay, Luật Viễn thông năm 2009 đã quy định việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên viễn thông, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông chưa thực hiện được trên thực tế. Nguyên nhân chủ yếu là do khó xác định được đầy đủ các loại mã, số viễn thông có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ để thực hiện đấu giá và khó xác định giá khởi điểm để đấu giá như quy định tại Luật Viễn thông năm 2009.
Vì vậy, để khắc phục các vướng mắc này, bảo đảm tính khả thi trong triển khai đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định cụ thể về đấu giá kho số.
Đó là, quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá, bao gồm: mã mạng di động mặt đất, số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng cho thuê bao viễn thông là người, số dịch vụ ứng dụng tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin.
Đồng thời, quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại kho số viễn thông nêu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước và mức tiêu dùng của người dân.
Cụ thể, giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày.
Giá khởi điểm để đấu giá mã mạng di động mặt đất, số dịch vụ ứng dụng tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin bằng phí sử dụng 1 năm của mã, số đó.
Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đề nghị đấu giá mã mạng di động mặt đất, số dịch vụ ứng dụng tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin ngoài các mã, số do Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra đấu giá thì giá khởi điểm là 5 năm phí sử dụng của mã, số tương ứng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ 5G cho 3 doanh nghiệp (Viettel, VNPT, MobiFone) để thử nghiệm tại 59 tỉnh, thành phố trên cả nước. "Hiện tại, các doanh nghiệp đã triển khai trên thực tế 824 trạm gNodeB trên các tỉnh, thành phố được cấp phép với khoảng 2,8 triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ thử nghiệm" - Cục Viễn thông thông tin.