Hệ thống xử lý nước thải tại khu kinh tế |
Việt Nam đã và đang hình thành rất nhiều các khu kinh tế cấp quốc gia và khu kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, công tác quản lý còn chưa theo kịp thực tiễn, đặc biệt là quản lý môi trường đô thị chưa chặt chẽ. Vì vậy, Thông tư 35 nhằm cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ.
Theo quy định của Thông tư, trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thẩm tra hồ sơ thành lập, mở rộng khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm tra khả năng đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường, gửi văn bản thông báo kết quả thẩm tra đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan xem xét, quyết định thành lập, mở rộng khu kinh tế.
Cụ thể về hình thức thẩm tra: Kiểm chứng, đánh giá các thông tin dữ liệu, kết quả phân tích, đánh giá; khảo sát hiện trường môi trường khu vực dự kiến thành lập, mở rộng khu kinh tế, trường hợp cần thiết, thực hiện đo đạc, lấy mẫu phân tích kiểm chứng; tham vấn ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan.
Cũng theo quy định của Thông tư, cơ quan đề nghị thành lập, mở rộng khu kinh tế có trách nhiệm lập quy hoạch, xây dựng và vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu kinh tế theo quy định và gửi thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi và kiểm tra theo quy định. Công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu kinh tế gồm: Hệ thống thu gom, lưu trữ, xử lý chất thải rắn; hệ thống thu gom và thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải; mạng lưới các điểm quan trắc chất lượng môi trường xung quanh; quy hoạch diện tích cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác.
Khi có điều chỉnh quy hoạch trong khu kinh tế, trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường về khả năng đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường khu kinh tế.
Ban quản lý các khu kinh tế có trách nhiệm bố trí bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường để tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường khu kinh tế theo quy định của pháp luật; xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp giữa ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu kinh tế thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định bảo vệ môi trường; phát hiện kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giải quyết, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; huy động lực lượng ứng phó, khắc phục khi xảy ra sự cố môi trường tại các khu kinh tế.
Theo Thông tư 35, Ban quản lý các khu kinh tế, định kỳ báo cáo công tác bảo vệ môi trường của khu kinh tế gửi UBND cấp tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/1 hàng năm. Công khai thông tin về bảo vệ môi trường khu kinh tế; tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu kinh tế. |