Thu hút FDI: Hoàn thiện thể chế để đón "đại bàng"
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài(FDI) được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, vẫn cần những giải pháp lâu dài để tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại chất lượng trong thời gian tới. Phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - xung quanh vấn đề này.
Xin bà cho biết một số đánh giá về kết quả thu hút FDI của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm?
Mặc dù tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 91,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, xét về tổng thể, FDI vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế những tháng đầu năm.
Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê |
Cụ thể, tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đạt 14,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 15,27 tỷ USD). Tuy vậy, chúng ta vẫn nhìn thấy xu hướng tích cực trong thu hút vốn FDI, vì trong quý I/2021 có 2 dự án tỷ đô đăng ký mới, gồm Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD.
Vì vậy, nếu loại trừ yếu tố đột biến trong quý I/2021 (loại trừ 4,41 tỷ USD của 2 dự án tỷ đô cấp mới) thì tổng vốn đăng ký FDI 6 tháng/2022 vẫn tăng 29,2% so với 6 tháng 2021.
Một điểm sáng trong thu hút FDI 6 tháng đầu năm là vốn đăng ký tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài tăng 65,6%, đạt 6,82 tỷ USD, cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước. Đồng thời vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI đạt gần 10,1 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2021… Các chỉ số này phản ánh rõ xu hướng phục hồi của hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút dòng vốn FDI.
Với những kết quả trên, theo bà, đâu là động lực chính thu hút FDI 6 tháng qua?
Theo tôi, động lực đầu tiên để Việt Nam hấp dẫn dòng vốn FDI phải kể đến là, từ giữa tháng 10/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủđã kịp thời chỉ đạo chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", điều này đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp quay lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Ngoài ra, nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết tâm trong phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thực thi nhiều chính sách tài chính, tiền tệ, an sinh thiết thực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam đã có tín hiệu rất tích cực, phục hồi mạnh mẽ từ quý IV/2021 đến nay.
Với nỗ lực đó, cộng với lợi thế về ổn định chính trị, vị trí địa lý, nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn… khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, từ đó tiếp tục mở rộng đầu tư tại đây.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song nhiều dự báo cho rằng, việc các quốc gia trên thế giới và khu vực đang cạnh tranh nhau trong thu hút FDI cũng khiến Việt Nam đối mặt với khó khăn trong thu hút dòng vốn ngoại. Bà nhận định như thế nào về các dự báo này?
FDI là nguồn vốn quan trọng, bởi vậy nhiều quốc gia đang đưa ra những chính sách hấp dẫn để thu hút. Trong bối cảnh đó, theo tôi Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể, bao gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.
Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp, công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài.
Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thông suốt giữa các tỉnh/thành phố, các vùng/miền, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
Xin cảm ơn bà!