Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm rõ nhiều nội dung về Luật Quản lý ngoại thương
Tin hoạt động 12/07/2017 17:00
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu |
Tại buổi họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố các Luật đã được Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 3, sau khi phát biểu làm rõ thêm một số nội dung chính trong Luật Quản lý ngoại thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc triển khai Luật trong thực tế. Đơn cử như quy định về quyền hạn lớn có lo ngại lợi ích nhóm hay không? Doanh nghiệp (DN) có bị khó khăn khi trong Luật có nhiều quy định về điều kiện giấy phép, điều kiện kinh doanh; việc thành lập trung tâm xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài; Quản lý, kiểm tra chuyên ngành; Giải quyết tranh chấp của cơ quan Chính phủ khi xảy ra tranh chấp trong lĩnh vực ngoại thương...
Không có lợi ích nhóm
Về ý kiến cho rằng trong Luật Quản lý ngoại thương là trao quyền cho Bộ Công Thương nhiều quá. Thứ trưởng cho biết, mục đích của Luật này đưa ra là giúp cho đảm bảo quản lý nhà nước về ngoại thương, giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực pháp lý, tạo điều kiện cho DN, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
"Chúng tôi khẳng định mục đích đã rất rõ ràng. Tôi nghĩ rằng các đại biểu Quốc hội cũng đã nghiên cứu kỹ và đồng ý về các nội dung trong dự án Luật trước khi bấm nút thông qua" - Thứ trưởng cho biết thêm.
Để thực hiện Luật này, từ nay đến trước tháng 1/2018, Bộ Công Thương sẽ phải phối hợp với các Bộ ngành soạn thảo, lấy ý kiến các cấp các ngành, trình Chính phủ 5 Nghị định. Về việc xây dựng 5 Nghị định, không chỉ có mình Bộ Công Thương mà còn có sự tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là cộng đồng DN, nhân dân... trên cơ sở Bộ sẽ chủ trì phối hợp tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, công khai.
"Chúng tôi khẳng định khi các Nghị định được ban hành để thực hiện Luật Quản lý ngoại thương thì chắc chắn không có lợi ích nhóm ở đây" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Liên quan đến câu hỏi liệu quy định về điều kiện giấy phép, kinh doanh nhiều có thể gây khó khăn, cản trở đến hoạt động kinh doanh của DN hay không? Thứ thưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, biện pháp quản lý theo giấy phép đã được quy định, phân biệt rõ giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu mà DN phải có, khi làm thủ tục thông quan hàng hóa thì DN chỉ cần đáp ứng để hoạt động. Các loại giấy phép xuất nhập khẩu nói trên sẽ được Chính phủ quy định trong các Nghị định, được công khai minh bạch để cộng đồng DN thực hiện giám sát, trong đó có vai trò giám sát của các cơ quan báo chí.
Về những biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa lưu hành tự do, trong Luật cũng quy định về giấy chứng nhận (GCN) xuất xứ hàng hóa, GCN lưu hành tự do theo hướng DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, mới được ký kết đã có hoặc sắp tới có hiệu lực. Ví dụ như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), trước đây phải xin phép cơ quan quản lý chứng nhận xuất xứ nhưng nay DN tự chứng nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đối với quản lý chung với các hoạt động ngoại thương với các nước có chung biên giới, trước đây do trung ương quản lý nhưng theo Luật này sẽ ủy quyền, phân cấp cho địa phương, địa phương tự làm, tự chịu trách nhiệm trước Chính phủ và quy định của pháp luật. Hay đối với biện pháp quản lý áp dụng với khu vực hải quan riêng chỉ áp dụng 1 lần.
Tăng cường vai trò của địa phương
Liên quan đến việc thương nhân mua đỉa ở Bắc Giang, Thứ trưởng cho biết, đây là vấn đề đã diễn ra ở nhiều nơi, đối với nhiều mặt hàng như hành tím, thậm chí cả rễ cau, ốc, ếch...
Qua kiểm tra, xử lý các vụ việc, phần lớn những trường hợp nêu ở đây do công dân nước khác, đặc biệt là công dân có chung biên giới đến du lịch nhưng trực tiếp thu mua hoặc người nước ngoài thuê người Việt Nam thu mua hàng hóa. Việc này Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ ngành, địa phương liên quan để xử lý nhằm giảm thiểu rủi ro cho người dân.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay, Việt Nam đã hội nhập quốc tế, có công dân của các nước sang Việt Nam và ngược lại. Các vụ việc thường xảy ra ở địa phương nên chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc tiếp nhận thông tin, đưa ra các giải pháp xử lý, quản lý, tuyên truyền cho người dân. Thứ trưởng cũng mong muốn các cơ quan quản lý, các đại biểu Quốc hội với vai trò quan trọng của mình sẽ tăng cường công tác giám sát ở địa phương về vấn đề này.
Thúc đẩy xuất khẩu
Đối với việc thành lập các trung tâm xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài. Đây là công tác rất quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra thị trường bên ngoài. Tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam mới có 3 trung tâm ở nước ngoài là Mỹ, Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Hải, hầu hết các nước trên thế giới đều có hệ thống xúc tiến thương mại ở nước ngoài và hệ thống này hoạt động rất hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho DN của họ.
"Tôi nghĩ rằng có thể Quốc hội, Chính phủ sẽ xem tiếp tác động và hiệu quả của các trung tâm này đến đâu để có quyết sách sau. Trước mắt, muốn đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, nhất là chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hiện các hiệp hội ngành hàng, cơ quan xúc tiến thương mại như VCCI, các địa phương đều có trung tâm xúc tiến cùng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt là vấn đề thông tin về thị trường, mặt hàng rất quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục trình các cấp làm theo đúng thông lệ quốc tế" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.
Cũng liên quan đến việc thúc đẩy xuất khẩu, trong đó có công tác quản lý chuyên ngành, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay quản lý chuyên ngành tập trung nhiều về nhập khẩu. Xuất khẩu đã rất thông thoáng không có cản trở gì nhưng có vấn đề quan trọng mà hầu hết các DN gặp phải là chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Rất nhiều sản phẩm thủy sản, nông sản xuất khẩu chỉ cần 1 DN không đạt yêu cầu là tất cả các DN khác bị ảnh hưởng, thậm chí bị cấm luôn. Vì vậy, việc quy định và thực hiện chặt chẽ các biện pháp kiểm dịch, chất lượng rất quan trọng (Chương 3 - Luật Quản lý ngoại thương) để giúp cho tất cả các DN trong cùng một ngành hàng có cơ hội XK.
Về quản lý chuyên ngành, hiện Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ KHCN, Tài chính, Tổng cục Hải quan giảm thiểu tối đa các biện pháp giúp DN. Đơn cử như bỏ quy định kiểm tra Fomandehy trong Thông tư 37, dán nhãn năng lượng chuyển sang hậu kiểm...
"Chúng tôi khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện cho DN theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo" - người phát ngôn của Bộ Công Thương khẳng định.
Giải quyết tranh chấp trên cơ sở thỏa thuận
Trong vấn đề giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngoại thương có quy định cơ quan Chính phủ chỉ tham gia giải quyết tranh chấp trong trường hợp liên quan đến lợi ích quốc gia, Thứ trưởng cho rằng, việc giải quyết tranh chấp có liên quan đến cơ quan Chính phủ đã được quy định rõ trong chương 7 của Luật Quản lý ngoại thương. Về nguyên tắc chung, các vụ việc tranh chấp giữa DN, kể cả DN nhà nước phải giải quyết theo thỏa thuận, hợp đồng ký kết giữa các bên, theo quy định tố tụng dân sự. Chính phủ chỉ tham gia giải quyết liên quan đến lợi ích quốc gia, quan hệ Chính phủ với Chính phủ theo quy định của luật pháp quốc tế.
Trên thực tế, những vụ việc liên quan đến lợi ích, tính mạng, tài sản của công dân, DN Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ đều có trách nhiệm giải quyết thấu đáo. Đây là việc không nói cũng phải làm.
Trong Luật Quản lý ngoại thương đã có quy định rõ, trước hết các DN phải tự chịu trách nhiệm trên cơ sở căn cứ thỏa thuận với DN khác. Luật cũng nêu rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các Bộ ngành trong việc xây dựng phương án giải quyết tranh chấp quốc tế trong cả hai trường hợp bao gồm việc Việt Nam bảo vệ lợi ích của mình khi bị các nước khởi kiện và Việt Nam chủ động khởi kiện các nước khi họ vi phạm những nghĩa vụ, cam kết xâm hại đến lợi ích của chúng ta.
TIN LIÊN QUAN | |