Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm việc với tỉnh An Giang về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 24/11/2022 20:14
Đây là buổi làm việc thứ hai trong chuỗi chương trình của Đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm trưởng Đoàn đi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ. Cùng làm việc với Đoàn có các Sở, ngành của tỉnh An Giang.
Khả năng chỉ giải ngân được 35%
Báo cáo tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh An Giang, ông Trương Ngọc Hưng – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang - cho biết, tổng kế hoạch vốn thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là 3.457.491 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương là 1.173.305 triệu đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương là 2.284.186 triệu đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng Đoàn công tác làm việc với tỉnh An Giang về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia |
Thực hiện Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2022 giao vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2022 của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 763.012 triệu đồng. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 634.481 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 90.288 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 38.245 triệu đồng. Tổng vốn sự nghiệp năm 2022 cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 194.885 triệu đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng Đoàn công tác tham quan Viện nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời |
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, ông Trương Ngọc Hưng cho hay, do vốn ngân sách trung ương thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia mới hoàn thành giao vốn ngày 15/8/2022, các đơn vị đang thực hiện hồ sơ, thủ tục để phê duyệt dự án để thực hiện giao và giải ngân vốn năm 2022; khả năng đến hết tháng 01/2023 chỉ giải ngân đạt khoảng 35%, không thể giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, theo quy định tại Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 08/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ, để được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 -2025, các xã phải là xã đạt chuẩn nông thôn mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025) và hoàn thành 19 tiêu chí, 75 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; tăng 40 chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2021. Qua rà soát các xã đều chưa đảm bảo duy trì đạt theo tiêu chí mới, mức độ đạt của các xã từ 8 tiêu chí đến 15 tiêu chí.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đơn vị chủ quản chương trình còn lúng túng trong quá trình thực hiện các quy trình, về cơ chế điều hành, quản lý chương trình liên quan đến định mức kinh phí đối với Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất.
Danh mục các dự án hoạt động Tiểu dự án 1 do Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn: “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số” đang gặp khó khăn về việc giải ngân vì các hạng mục sử dụng nêu trên phải căn cứ vào các tài liệu hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiểu Dự án 2: ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Dự án 10 chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn.
Một vấn đề nữa được ông Trương Ngọc Hưng đề cập tới đó là hiện nay, tổng số văn bản quản lý điều hành, tổ chức thực hiện do các Bộ, ngành trung ương hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia có đến 118 văn bản, trong đó có 93 văn bản do cấp Bộ, ngành hướng dẫn; quá nhiều văn bản hướng dẫn, nên tỉnh còn khó khăn trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Dự kiến kế hoạch vốn thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2023 là 959.214 triệu đồng. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 784.031 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 126.560 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 48.623 triệu đồng.
Để các địa phương dễ áp dụng triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, lãnh đạo tỉnh An Giang cũng kiến nghị các Bộ, ngành trung ương xem xét tinh gọn lại các văn bản hướng dẫn. Cho phép địa phương tiếp tục thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2023. Đến nay, trung ương mới thông báo số kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 nguồn vốn đầu tư phát triển, chưa thông báo số dự kiến vốn ngân sách trung ương năm 2023 nguồn vốn sự nghiệp, kiến nghị sớm thông báo cho địa phương để triển khai thực hiện.
Đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Chính phủ phân khai nguồn vốn sự nghiệp cho 06 Chương trình chuyên đề để các địa phương chủ động đăng ký nội dung thực hiện. Văn phòng Điều phối Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm điều chỉnh Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phù hợp hơn với thực tế. Các Bộ ngành xem xét sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cụ thể: định mức kinh phí đối với Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất; giải ngân các hạng mục các dự án hoạt động Tiểu dự án 1 do Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn; và các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình.
Cần phấn đấu về đích Tiêu chí số 7
Ở góc độ thương mại, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá cao những điểm sáng của An Giang trong việc kết nối hàng hóa OCOP vào hệ thống kênh phân phối. Địa phương này cũng rất thành công trong việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp như mô hình Lộc Trời; cơ sở trồng cây sung Mỹ - mô hình tiêu biểu trong nắm bắt cơ hội thị trường cũng như dám cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập; kết nối giữa các ngành với nhau trong phát triển thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Đồng thời, An Giang cũng đã xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới nâng cao từ năm 2020 – với mô hình xã Định Thành (huyện Thoại Sơn) với chợ Kênh F. Đây là mô hình xã hội hóa, cải tạo chợ theo mô hình an toàn thực phẩm…
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, liên quan đến vấn đề hạ tầng thương mại nông thôn -Tiêu chí số 7 trong xây dựng nông thôn mới - hiện An Giang mới có 68/116 xã đạt Tiêu chí này (chiếm 58,62%); trong khi đồng bằng sông Cửu Long đạt 89,5% và cả nước đạt 91,11% Tiêu chí số 7. Do đó, rất mong địa phương quan tâm, tháo gỡ để phấn đấu đạt 100% các xã đạt Tiêu chí số 7.
“Đây là vấn đề rất trăn trở đối với Vụ thị trường trong nước, bởi ngay trong giai đoạn I triển khai Chương trình, chúng tôi đã có các hướng dẫn, trong đó nêu rõ: Các địa phương có thể không cần phải là chợ đạt chuẩn mà có thể thay bằng các hình thức hạ tầng thương mại khác như cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Địa phương nên hướng tới xã hội hóa và nhân rộng nhanh mô hình này để tạo điều kiện cho bà con ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc có thể tiếp cận được các hàng hóa thiết yếu cũng như tiêu thụ được những hàng hóa mà họ làm ra”, bà Lê Việt Nga chia sẻ thêm.
Liên quan đến việc phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, ông Trần Thanh Tâm – Phó giám đốc Sở Công Thương An Giang – cho biết, do thực lực và kinh tế của An Giang còn ở mức trung bình khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc chưa đạt được Tiêu chí số 7 là điều thiệt thòi cho người dân, nhất là An Giang là tỉnh có nông nghiệp có nhiều đồng bào dân tộc. Địa phương phấn đấu sẽ có 103 xã đạt Tiêu chí số 7 trong nhiệm kỳ 2021- 2025.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi làm việc |
Đánh giá cao công tác kiện toàn, triển khai công việc xuyên suốt từ các cấp, các ngành, đặc biệt An Giang đã kiện toàn được Ban chỉ đạo triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng chia sẻ những khó khăn trong việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh An Giang. Các khó khăn này có thể đến từ hướng dẫn từ Trung ương (chưa rõ, chậm), từ bản thân cách thức triển khai từ địa phương và cả vấn đề thời gian.
Kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh An Giang vướng mắc nhất vẫn là tiến độ giải ngân vốn còn chậm, chỉ đạt khoảng 35%. Do đó, trong năm 2023, với việc rút kinh nghiệm từ cả Trung ương và địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị An Giang lưu ý cố gắng phân bổ, triển khai và phấn đấu giải ngân vốn đạt 90% trở lên. Đồng thời, đề xuất những kiến nghị cụ thể trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.
"Cùng với những kiến nghị tại buổi làm việc, trong thời gian khoảng 1 tuần, đề nghị An Giang bổ sung thêm và gửi lại Đoàn công tác Bộ Công Thương. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tổng hợp lại và báo cáo lại Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề nghị cân đối và lồng ghép nguồn vốn các Chương trình sẽ tạo sức mạnh tổng hợp, giúp địa phương triển khai hiệu quả các Chương trình.
Theo bà Lê Việt Nga, riêng An Giang được ngân sách Trung ương cấp xây dựng một chợ mới và sửa 4 chợ vùng đồng bào dân tộc. Do đó, rất mong An Giang sử dụng hiệu quả nguồn vốn này để xây dựng các chợ có bản sắc dân tộc. Từ đó, tạo mãi lực rất tốt trong việc tạo việc làm cho người dân và tạo đầu ra cho sản phẩm vùng miền.
Đoàn Công tác tham quan mô hình trồng sung Mỹ trong nhà màng của gia đình chị Dương Thị Ngọc Dung |
Trước buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang, Đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm trưởng Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) gồm: Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời (ấp Hòa Tân - xã Định Thành); xã nông thôn mới nâng cao Định Thành (huyện Thoại Sơn); mô hình trồng sung Mỹ trong nhà màng của gia đình chị Dương Thị Ngọc Dung.