Sáng 21/11 (theo giờ địa phương), tiếp tục chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dominica, tại Thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Dominica.
Cùng tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đại diện một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam (như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Lương thực miền Bắc…).
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Dominica - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại tọa đàm, các đại biểu và doanh nghiệp hai nước được giới thiệu vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh của mỗi bên; đồng thời giới thiệu nhu cầu hợp tác, đầu tư.
Các lĩnh vực được Dominica ưu tiên thu hút đầu tư, gồm hạ tầng, hàng hải, hàng không, năng lượng-dầu khí, du lịch, nông nghiệp, viễn thông, sản xuất và phân phối xe điện, chuyển đổi số, công nghiệp dược…
Các doanh nghiệp Việt Nam và Dominica mong muốn tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường của nhau và mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực ASEAN-châu Á, cũng như khu vực Mỹ Latinh và Caribe.
Việt Nam được đánh giá có môi trường đầu tư thuận lợi, với thị trường 100 triệu dân, có nhiều doanh nghiệp lớn, vươn tầm thế giới, có nhiều tiềm năng hợp tác với Dominica trong lĩnh vực, như nông nghiệp, phân bón, hoá chất, công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh khu chế xuất, năng lượng-dầu khí, viễn thông và du lịch.
Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư tại Dominica có thể coi đây là "bàn đạp", cửa ngõ để tiến vào khu vực Caribe. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Ông Pavel Isa Contreras, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Kế hoạch và Phát triển Cộng hòa Dominica cho biết, Dominica là nền kinh tế phát triển nhất khu vực Caribe, tập trung vào dịch vụ, du lịch, xuất khẩu, sản xuất các mặt hàng nông nghiệp, như ca cao, hoa quả, cà phê.
Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á, đang thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài và có nhiều chính sách cải thiện môi trường đầu tư, đạt kim ngạch xuất khẩu cao.
Hiện Dominica đang xem xét, mong muốn nhập khẩu thuốc lá, hàng may mặc, thịt lợn, thịt bò và nhiều mặt hàng từ Việt Nam; hợp tác cải thiện chuỗi cung ứng về nông nghiệp; hợp tác về năng lượng, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch…
Bà Biviana Riveiro, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư của Cộng hòa Dominica đánh giá, hai nước đã có 19 năm quan hệ ngoại giao, đây là thời điểm thích hợp cho việc tăng cường trao đổi quan hệ thương mại, tìm kiếm các cơ hội đầu tư.
Bà khẳng định, Dominica có vị trí quan trọng tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, có sự ổn định về kinh tế vĩ mô, chính trị, pháp lý. Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá Dominica là một trong những nước phục hồi nhanh nhất về du lịch sau đại dịch COVID-19, đến thời điểm này của năm 2024 đã thu hút được 8,3 triệu du khách.
Ông Pavel Isa Contreras, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Kế hoạch và Phát triển Cộng hòa Dominica cho biết, Dominica đang xem xét, mong muốn nhập khẩu thuốc lá, hàng may mặc, thịt lợn, thịt bò và nhiều mặt hàng từ Việt Nam; hợp tác cải thiện chuỗi cung ứng về nông nghiệp, năng lượng, y tế… (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Các ý kiến phía Dominica đánh giá cao thành tựu và vị thế của Việt Nam trong việc làm cầu nối với khu vực Đông Nam Á và châu Á, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, nhất là hợp tác trong các lĩnh vực lúa gạo, dầu khí, năng lượng (với Tập đoàn Dầu khí), viễn thông (với Viettel), xây dựng nhà máy sản xuất xi măng, sứ vệ sinh (với Viglacera), xe điện (với Vinfast), công nghệ thông tin và bán dẫn (với Viettel/FPT), hàng không…
Tuy nhiên, quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước còn khiêm tốn. Trao đổi thương mại chỉ đạt khoảng 100 triệu USD/năm.
Tiềm năng, cơ hội hợp tác lớn với tính khả thi cao
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến phát biểu, cho thấy sự quan tâm, nhiệt huyết của các doanh nghiệp đối với đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế; đồng thời nhấn mạnh hai bên còn rất nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác với tính khả thi rất cao.
Theo Thủ tướng, quan hệ hữu nghị giữa hai nước đã được các nhà lãnh đạo tiền bối đặt nền móng. Hai nước có lý tưởng tương đồng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng và mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân; hai bên có tin cậy chính trị rất cao; cùng có nền văn hóa bản sắc và lâu đời; có vị trí địa chính trị quan trọng tại 2 khu vực năng động Mỹ Latinh và Đông Nam Á, đều là những nền kinh tế tăng trưởng nhanh; hai nền kinh tế có thể bổ trợ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Đây là những nền tảng và lợi thế rất quan trọng để doanh nghiệp hai nước yên tâm đầu tư.
Các ý kiến phía Dominica đánh giá cao thành tựu và vị thế của Việt Nam trong việc làm cầu nối với khu vực Đông Nam Á và châu Á. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Dominica mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, nhất là hợp tác trong các lĩnh vực lúa gạo, dầu khí, năng lượng (với Tập đoàn Dầu khí), viễn thông (với Viettel), xây dựng nhà máy sản xuất xi măng, sứ vệ sinh (với Viglacera), xe điện (với Vinfast), công nghệ thông tin và bán dẫn (với Viettel/FPT), hàng không… |
Thủ tướng cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã vươn lên thuộc nhóm 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới; thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do với trên 60 nền kinh tế, trong đó có các thị trường lớn nhất thế giới.
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, bất ổn, tăng trưởng nhiều nền kinh tế và đầu tư, thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế và đầu tư của Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực, tăng trưởng GDP ước cả năm ước đạt trên 7%, thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 39-40 tỷ USD, thực hiện ước khoảng 25 tỷ USD…
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông vận tải và đào tạo nhân lực chất lượng cao, theo định hướng "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh"; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, nhanh chóng, giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, hiệu quả đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Đại diện Tập đoàn Vietel phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng các nhà lãnh đạo Dominica thống nhất đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, sang một giai đoạn phát triển mới. Theo đó, hai bên tiếp tục củng cố tình hữu nghị và quan hệ chính trị tốt đẹp; đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại, hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định về visa để tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư và thúc đẩy đi lại, giao lưu nhân dân…
Đồng thời, hai bên đã xác định một số dự án cụ thể để triển khai trong thời gian sớm nhất có thể trong lĩnh vực năng lượng; chuyển đổi số, viễn thông, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn; nông nghiệp, sản xuất phân bón, hóa chất, lúa gạo; lĩnh vực xây dựng; xe điện… Trong các lĩnh vực này, Việt Nam có các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước và tư nhân, có thể hợp tác, đầu tư ngay.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ xem xét việc sớm mở Đại sứ quán tại Cộng hòa Dominica vào thời điểm phù hợp; đồng thời nghiên cứu, thúc đẩy thành lập tổ công tác, ủy ban hỗn hợp thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai nước. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ xem xét việc sớm mở Đại sứ quán tại Cộng hòa Dominica vào thời điểm phù hợp; đồng thời nghiên cứu, thúc đẩy thành lập tổ công tác, ủy ban hỗn hợp thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai nước. Doanh nghiệp nước này có thể thông qua nước kia để tiếp cận thị trường của cả khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư tại Dominica có thể coi đây là "bàn đạp", cửa ngõ để tiến vào khu vực Caribe.
Kêu gọi các doanh nghiệp hai bên tranh thủ cơ hội hợp tác, đầu tư, Thủ tướng đề nghị hai bên bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển, bảo đảm lợi nhuận và góp phần củng cố, tăng cường quan hệ song phương, giúp mỗi bên xây dựng nền kinh tế mạnh, tự cường, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị hai bên bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đây không chỉ là vấn đề lợi ích của doanh nghiệp, của hai đất nước, mà còn là tình cảm cao đẹp của trái tim và sản phẩm của trí tuệ, khẳng định trách nhiệm với quan hệ hai nước đã được các nhà lãnh đạo tiền bối đặt nền tảng.
Mong hai bên khẩn trương xác định các dự án cụ thể, lộ trình thực hiện cụ thể với tinh thần rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, nhanh chóng mang lại lợi ích thiết thực, Thủ tướng cho rằng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc là những yếu tố rất quan trọng để kết nối hai nền kinh tế và hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp.
Trao đổi với Bộ trưởng Kinh tế, Kế hoạch và Phát triển Pavel Isa Contreas, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội mà Chính phủ Cộng hoà Dominica đã đạt được trong những năm qua và đề nghị hai bên tích cực hợp tác, triển khai những kết quả đã đạt được trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ với Tổng thống Cộng hoà Dominica, trong đó có lĩnh vực thương mại và đầu tư. Bày tỏ ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam anh hùng, Bộ trưởng Pavel Isa Contreas đánh giá Việt Nam ngày nay là một hình mẫu về phát triển kinh tế mạnh mẽ và năng động, khẳng định luôn ủng hộ hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. |