Thủ tướng đề xuất 3 trọng tâm hợp tác ASEAN - Ấn Độ
Tin hoạt động 26/01/2018 09:11
Với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất 3 trọng tâm lớn cho hợp tác ASEAN - Ấn Độ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Những tiến triển vượt bậc của mối quan hệ đặc biệt ASEAN - Ấn Độ
Với chủ đề “Chia sẻ giá trị, Cùng chung vận mệnh”, lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã trao đổi sâu rộng về tình hình và triển vọng phát triển của quan hệ hai bên; thống nhất nhiều định hướng, biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ.
Nhìn lại 25 năm qua, các nhà lãnh đạo vui mừng ghi nhận những tiến triển vượt bậc của mối quan hệ đặc biệt này. Ấn Độ đã vươn lên trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 58,45 tỷ USD.
Bên cạnh đó, hai bên đã thiết lập hơn 30 cơ chế đối thoại từ cấp cao, cấp Bộ trưởng tới các nhóm chuyên gia, công tác. Quan hệ giao lưu văn hoá, nhân dân phát triển năng động, với nhiều chương trình, hoạt động hợp tác và giao lưu đa dạng, phong phú, lôi cuốn nhiều tầng lớp tham gia giúp củng cố các mối liên kết văn hoá - văn minh giữa Ấn Độ và khu vực. Hợp tác trên các mặt khoa học công nghệ, môi trường, cứu trợ thiên tai, kết nối… cũng thu được những kết quả đáng khích lệ.
Các lãnh đạo cũng nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ trên tất cả các mặt thông qua thực hiện đầy đủ và hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN - Ấn Độ 2016-2020.
Theo đó, ASEAN và Ấn Độ tiếp tục củng cố cơ chế đối thoại các cấp; tăng cường hợp tác và phối hợp trong những vấn đề hoà bình và an ninh khu vực, đấu tranh chống khủng bố, cực đoan và các loại tội phạm xuyên quốc gia.
Về kinh tế, hai bên tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại, hợp tác hàng hải, hàng không, công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tăng cường giao lưu doanh nghiệp…
Về văn hoá - xã hội, hai bên sẽ gia tăng hợp tác trong các lĩnh vực bảo tồn và gìn giữ di sản, du lịch văn hoá, tâm linh, giáo dục - đào tạo, phát triển năng lượng mặt trời, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học…
Thủ tướng Ấn Độ tái khẳng định cam kết hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển, mở rộng hợp tác kết nối với ASEAN, nhất là kết nối hạ tầng và kết nối số, sử dụng hiệu quả khoản tín dụng 1 tỷ USD đã cam kết.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đã thông qua Tuyên bố Dehli, đề ra tầm nhìn và phương hướng thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ những năm tới.
Lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
3 đề xuất của Việt Nam
Phát biểu tại hội nghị, với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại toàn diện quá trình phát triển quan hệ ASEAN - Ấn Độ.
Với nền tảng là đối tác truyền thống trao đổi thương mại, giao lưu văn minh văn hoá từ xa xưa, quan hệ ASEAN - Ấn Độ trong hơn 25 năm qua đã có những phát triển mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hoá, giao lưu nhân dân cũng như hợp tác phát triển.
Để tiếp tục phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, đưa hợp tác ASEAN - Ấn Độ trở thành điểm sáng trong thành công của thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất 3 trọng tâm lớn cho hợp tác. Đó là, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư, coi đây là động lực chính của quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ; hai bên cần tranh thủ các thành tựu khoa học, công nghệ của cách mạng 4.0 để đẩy nhanh phát triển. Thứ hai là tăng cường kết nối, gồm cả kết nối hạ tầng đường bộ, đường biển…, kết nối số và giao lưu nhân dân. Thứ ba là tăng cường hợp tác vì hoà bình, ổn định ở khu vực, ứng phó với các thách thức an ninh, cả truyền thống lẫn phi truyền thống.
Trao đổi về hợp tác và an ninh biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp nhằm bảo đảm thượng tôn pháp luật, trong đó có Công ước Luật biển 1982, tăng cường hợp tác xây dựng lòng tin thông qua các biện pháp chung ứng phó với những thách thức trên biển, ưu tiên tập trung phát triển kinh tế biển xanh, trong đó có việc sớm hoàn tất Hiệp định vận tải biển, chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách biển, cũng như thúc đẩy hợp tác liên khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.