Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tránh hành chính hóa nghiên cứu khoa học
Tin hoạt động 04/01/2017 17:39
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh cho biết, mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng với nỗ lực vượt bậc của ngành KH&CN, thời gian qua, KH&CN Việt Nam đã có những bước tiến lớn, tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, bám sát, phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất.
Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, KH&CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng. Các tiến bộ KH&CN đã đóng góp khoảng 30%-40% vào tăng trưởng nông nghiệp. Đặc biệt, kết quả KH&CN được ứng dụng trong nông nghiệp giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, qua hoạt động KH&CN, các viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã khẳng định được thương hiệu, vị thế ở thị trường trong nước và thế giới, có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD. Với lĩnh vực y tế, nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đã được nghiên cứu ứng dụng thành công, nhiều loại bệnh đã được chẩn đoán, điều trị với tỷ lệ thành công cao, giá thành rẻ, tiết kiệm cho xã hội hàng trăm tỷ đồng, tiết kiệm ngoại tệ hàng tỷ USD/năm do không phải ra nước ngoài điều trị…
Đồng thuận với ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, những thành tích của ngành KH&CN rất đa dạng và toàn diện. Trong mục tiêu tăng trưởng chung, rõ ràng chúng ta nhìn thấy, sự phát triển của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đang dần cải thiện và có thể khẳng định rằng với sự tăng trưởng của GDP, tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng như các lĩnh vực khác, đều có vai trò, giá trị của KH&CN trong đó. Đặc biệt, hàng loạt những lĩnh vực của ngành Công Thương, nhất là trong công nghiệp, đã có vai trò của công nghệ và hàm lượng công nghệ. Thậm chí, trong một số lĩnh vực, đã có thành tựu KH&CN tiệm cận với trình độ công nghệ khu vực và quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu |
“Trong điều kiện hội nhập sâu rộng, với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi, chúng ta sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn, do đó cần hỗ trợ tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm để có điều kiện tiếp cận với thị trường thế giới và giữ vững thị trường nội địa”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã góp phần tích cực vào thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới cơ chế phát triển KH&CN, góp công sức rất lớn vào việc tìm ra nguyên nhân của sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Bộ KH&CN cũng đã cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc đẩy mạnh xây dựng các chương trình, đề tài ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, ngành KH&CN nên tập trung vào những mũi nhọn, khu vực có dư địa phát triển với tác dụng lan tỏa nhanh, kết quả tức thì...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua có đóng góp quan trọng của KH&CN. Cụ thể, xếp hạng về kinh tế của Việt Nam đứng trên 100 nhưng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2016 đứng thứ 59. Trong đó, các nhóm chỉ tiêu đầu ra liên quan trực tiếp đến KH&CN xếp thứ dưới 50. Điều đó cho thấy, dù còn bất cập nhưng giới KH&CN nước ta rất cố gắng so với mặt bằng chung trong điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong đó, có nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực cơ bản, tự nhiên, xã hội và nhân văn đều có đóng góp rất lớn.
Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn xếp thứ 56, chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, một tồn tại nữa là nghiên cứu nhiều nhưng ứng dụng ít. Do đó, đầu tư cho KH&CN cần bám sát hơn nhu cầu thực tiễn và thiết thực hơn, ưu tiên đầu tư các đề án, đề tài phục vụ thiết thực cho đất nước. Quản lý nhà nước trên một số mặt có tiến bộ nhưng còn bất cập như đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ…
Toàn cảnh hội nghị |
Thủ tướng cho rằng, muốn phát triển KH&CN thành công thì phải có 6 yếu tố là: thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập; năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước cho KH&CN. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tạo thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả người chưa vào Đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương. Thủ tướng dẫn ví dụ về trường hợp một nhà khoa học Việt kiều, mặc dù không am hiểu nông nghiệp, nhưng khi về quê ở Nam Bộ, thấy nước mặn lên xuống, bà con nông dân không biết, lấy nước mặn tưới cây ăn quả, bị thiệt hại nặng nên đã đặt hệ thống quan trắc tự động để phát hiện nước mặn.
Thủ tướng khẳng định, luôn lắng nghe và tiếp nhận mọi cán bộ khoa học có năng lực, muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc. Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới, kiến tạo lại nền hành chính để phát huy vai trò của KH&CN, nhất là con người và thể chế. Tinh thần chung là khai phóng mọi nguồn nhân lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng. Việc tháo gỡ thể chế nào kìm hãm sự phát triển của KH&CN thì chính Bộ KH&CN phải đề xuất lên Trung ương Đảng, Chính phủ.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu KH&CN phải gắn với thị trường trên cơ sở hiểu thị trường đang cần gì, sẽ cần gì để đưa ra hướng đi phù hợp nhất. Chất lượng, giá trị đem lại của sản phẩm công nghệ phải thực sự do thị trường đánh giá, quyết định. Cân nhắc hình thành một chợ giao dịch về công nghệ để ở đó, nhu cầu công nghệ và sản phẩm công nghệ có thể giao thoa với nhau. Đồng thời, phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học. Nếu các nhà khoa học suốt ngày lo nghĩ thủ tục hành chính thì rơi rụng về am hiểu chuyên môn trong khi am hiểu về thủ tục hành chính lại tăng lên.
Trong năm 2016, ngành KH&CN đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để đưa KH&CN trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải cách thủ tục hành chính, triển khai chính phủ điện tử, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh. Ngành KH&CN cũng đã kịp thời tham gia ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng hải sản chết bất thường xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung. |