Trong đó, làng hoa Xuân Hòa, Dạ Lê, Công Lương (xã Thủy Vân), làng hoa Vân Thê (xã Thủy Thanh), làng hoa Phú Mậu (huyện Phú Vang)… được xem là những vựa hoa tết lớn của Thừa Thiên Huế. Anh Nguyễn Anh Tuấn, ở khu vực 3, làng Xuân Hòa cho biết: Những ngày này cả nhà đang tập trung những việc cuối cùng như tỉa cành, chỉnh hoa, tưới hoa… để mang hoa đi bán. Anh cho biết thêm, gia đình anh năm nay có 1.200 chậu hoa cúc và 200 chậu hoa thạch thảo, do thời tiết thuận lợi nên hoa nở đúng vụ. Theo cách tính của anh Tuấn thì tổng thu nhập cho đợt bán hoa năm nay hơn 100 triệu đồng. "Sau khoảng 6 tháng xuống vụ, trừ hết chi phí gia đình tôi cũng có số tiền ăn tết và lo tiền học cho con" - anh Tuấn vui vẻ chia sẻ. Ông Ngô Châu Phê – Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Vân cho biết: Hiện nay trên địa bàn có 3 làng hoa lớn đó là làng Xuân Hòa, Dạ Lê, Công Lương với gần 100 hộ trồng hoa, chiếm khoảng 10% số hộ sinh sống trên địa bàn. Ở đây chủ yếu là trồng hoa cúc, hộ nhiều nhất là 2.500 chậu, ít nhất cũng 300 chậu. Trung bình mỗi hộ lãi từ 20 – 50 triệu đồng, nếu tính thu nhập thì trồng hoa là rất hiệu quả, ông Phê lý giải, bởi thời điểm trồng hoa là lúc người dân nông nhàn, sau khi gặt xong vụ hè thu người dân bắt tay trồng hoa, giải quyết tình trạng lao động nông nhàn và có thu nhập ổn định. Hầu hết người dân ở làng đều chọn giống hoa cúc Đà Lạt thay vì giống hoa Hà Nội vì giống hoa Hà Nội sau khi nở sẽ mau tàn hơn do cánh hoa lớn nên khi tưới nước hoặc mưa xuống nước sẽ đọng lại trên hoa nhiều, cánh hoa nặng vì vậy nhanh tàn.
Chuyên nghiệp hơn, tại làng hoa truyền thống Vân Thê, xã Thuỷ Thanh ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng hoa cúc, đa dạng các chủng loại hoa, HTX NN Thủy Thanh 1 còn xây dựng trang web để quảng bá giới thiệu rộng rãi sản phẩm hoa nhằm đáp ứng và cung cấp kịp thời tới người tiêu dùng trong dịp Tết Ất Mùi 2015. Ông Đỗ Văn Phú - Chủ nhiệm HTX NN Thủy Thanh 1 cho biết: Hiện làng hoa truyền thống Vân Thê có hơn 100 hộ tham gia trồng hoa, với 10.000 chậu, trong đó có 80% số hộ chuyên trồng hoa cúc chậu, số còn lại trồng hoa vườn để cung cấp cho các ngày thường. Theo hoạch toán, sau khi trừ mọi khoản chi phí cho việc đúc chậu, làm đất, nguồn giống hoa và công chăm sóc thì mỗi năm cho lãi 20-25 triệu đồng/hộ. Như vậy, doanh thu hàng năm từ trồng hoa cúc của các hộ dân trên địa phương xấp xỉ hơn 3 tỷ đồng. Với người dân Vân Thê, việc trồng hoa tết giờ đây không chỉ một nghề truyền thống mà còn là nét đẹp văn hoá của làng quê này đang được duy trì phát triển mạnh mẽ.
Không chỉ trồng hoa cúc, tại các làng hoa truyền thống thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, người dân còn trồng các loại hoa có giá trị kinh tế cao như hoa ly, phong lan…Các hộ trồng hoa cho biết, do mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều năm qua việc trồng hoa ly, phong lan… được các hộ dân đẩy mạnh số lượng. Mặc dù rất tốn công chăm sóc, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và người trồng cũng phải ăn ngủ cùng hoa, tuy nhiên hiệu quả mang lại từ các loại hoa này là rất cao.
Hiện nay, nhu cầu dùng hoa cho ngày tết tăng cao, vì vậy thị trường hoa luôn ổn định và có chỗ đứng trên thị trường. Nắm bắt được xu hướng đó cho nên hiện nay các làng hoa truyền thống ở Thừa Thiên Huế không chỉ đáp ứng cho người dân trong tỉnh mà còn bán ra các tỉnh lân cận, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến với các làng hoa truyền thống những ngày này rất đông vui, người người, nhà nhà tập trung những công đoạn cuối cùng để có những chậu hoa đẹp, xe cộ tập nập đưa hoa lên thành phố, người trồng hoa phấn khởi, xuân về trên khắp các miền quê.