Ngày 19/12, tại di tích Hải Vân Quan, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.
Thực hiện nghi thức khởi công dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan |
Dự án do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) làm chủ đầu tư, Sở Văn hóa & Thể thao Đà Nẵng là đơn vị đại diện phía thành phố Đà Nẵng phối hợp điều hành thực hiện dự án.
Liên danh Công ty Cổ phần Tu bổ Di tích Huế, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Giao thông Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ Miền Trung được lựa chọn là đơn vị tổ chức tư vấn lập dự án đầu tư.
Dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan được triển khai trên diện tích khoảng 6.500 m2, tại đỉnh đèo Hải Vân, điểm giữa thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Dự án thuộc nhóm C, loại công trình dân dụng, cấp III.
Các hạng mục của dự án gồm tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân Quan và Thiên hạ Đệ nhất Hùng Quan; hệ thống tường thành nhà Nguyễn; nhà Trú Sở nhà Vũ Khố; tuyến bậc cấp từ Hải Vân Quan xuống phía thành phố Đà Nẵng; tuyến đường Thiên Lý từ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đi tỉnh Thừa Thiên Huế; sân đường giữa Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan; kè phân thủy và chống sạt, chống trượt hướng Đông Bắc di tích; các lô cốt: Tu bổ chống xuống cấp 05 lô cốt được xây dựng thời Pháp chiếm đóng, phục hồi các chi tiếp bị sập vỡ; bia Chiến Thắng Đồn Nhất; đường dạo; tuyến đường lên trạm Viba.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 42 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng mỗi bên 50% trên tổng mức đầu tư. Thời gian thực hiện dự án là 2 năm.
Việc tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân quan góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. |
Di tích Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng.
Được xây dựng ở một vị trí hết sức đắc địa, xung yếu nhất, Hải Vân Quan đã phát huy hết sức hiệu quả vai trò chức năng kể từ lúc xây dựng. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, di tích Hải Vân Quan xuất hiện nhiều công trình kiến trúc mới trong khuôn viên di tích, phản ánh tình trạng Hải Vân Quan chưa được gìn giữ, bảo vệ trong thời gian dài, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục phù hợp để từng bước trả lại những giá trị văn hoá lịch sử công trình.
Năm 2017, Di tích Hải Vân Quan cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia thuộc hai địa phận là: thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng). Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội 2 địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng cùng "bắt tay" thực hiện dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.