Thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô
Thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế luôn có kế hoạch, chính sách ưu tiên để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chuyên nghiệp, doanh nghiệp có thương hiệu, có uy tín, tuyệt đối không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế- ông Nguyễn Văn Phương đã có cuộc họp với Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc – Korea Land & Housing Corporation (LH) về đề xuất đầu tư các dự án tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
Theo ông Lee Yong Sam – Phó Chủ tịch Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc – Korea Land & Housing Corporation, vừa qua tập đoàn đã tổ chức rà soát, khảo sát các doanh nghiệp Hàn Quốc dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế để thu hút, đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
"Dự án phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô sẽ là bước đệm thúc đấy phải triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời là bàn đạp thu hút đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế", - ông Lee Yong Sam nhấn mạnh.
Quy hoạch chung Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2025 |
Theo ông Nguyễn Văn Phương, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô phối hợp chặt chẽ, đồng thời cung cấp các thông tin tài liệu liên quan theo đề nghị của Tập đoàn phục vụ nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất các dự án theo kế hoạch.
Tuy nhiên thời gian qua, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch nghiên cứu, khảo sát và lập hồ sơ các dự án của phía Tập đoàn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẽ những khó khăn nêu trên, đồng thời thống nhất với đề nghị gia hạn ngày đệ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Hồ sơ đề xuất dự án Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến cuối tháng 9/2020 theo như đề xuất của phía Tập đoàn.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng khẳng định sẽ chỉ đạo Ban quản lý KKT, CN và các ngành, địa phương phải chuẩn bị các điều kiện tốt nhất; chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng một cách đồng bộ tại các khu kinh tế, khu công nghiệp để đón đầu các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên việc thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh cũng cần phải có sự chọn lọc, không phải vì mục tiêu thu hút nhiều dự án mà đánh đổi môi trường hay thu hút những dự án có nguy cơ ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao…
Đẩy nhanh tiến độ GPMB trên địa bàn KKT, KCN
Hiện nay, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) cho phần còn lại của các dự án trên địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp tại Thừa Thiên Huế còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc chung. Cụ thể, một số thửa đất đang có tranh chấp do chủ đất ở xa; Công tác xác định thời điểm xây dựng của các hộ dân vẫn còn chậm; Vướng mắc trong việc bố trí tái kinh doanh, sinh kế; Các hộ dân không nhận tiền do đơn giá bồi thường, hỗ trợ thấp; xin bố trí suất tái định cư cho hộ phụ...
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua lãnh đạo các Sở, ban ngành và địa phương đã trao đổi những khó khăn vướng mắc cụ thể đối với từng dự án, làm rõ và bàn phương án giải quyết, thực hiện dứt điểm công tác GPMB để bàn giao cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Văn Phương - chia sẻ: Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 song các đơn vị đã rất cố gắng thực hiện hiệu quả công tác GPMB để triển khai các dự án. Tuy nhiên việc GPMB một số dự án vẫn chậm, một số vướng mắc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trở thành một “đại công trường” đúng nghĩa, khi nhiều dự án, công trình lớn được đầu tư, khởi công xây dựng |
“Việc triển khai các dự án đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, tỉnh yêu cầu các đơn vị quyết liệt hơn nữa trong thực hiện công tác GPMB. Tiến hành rà soát, có một kế hoạch tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm để giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc; đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn để đẩy nhanh công tác GPMB tại địa phương, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án”, - ông Phương nhấn mạnh.
Thừa Thiên Huế sẽ chuẩn bị các thông tin sẵn sàng để xúc tiến đầu tư mọi lúc, mọi nơi, đối với khu công nghiệp, khu kinh tế. Cụ thể căn cứ vào Quy hoạch và chức năng của khu kinh tế và các khu công nghiệp đã được phê duyệt để xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư phù hợp; nghiên cứu, đề xuất kế hoạch marketing các Khu công nghiệp, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô bằng việc xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư phù hợp, đem lại giá trị gia tăng cao; thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo; tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điện tử, ôtô, du lịch,... |