Thừa Thiên Huế: Đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may
Bí thư tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho biết: Tập đoàn có 10 doanh nghiệp dệt may đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó, có 3 đơn vị tập đoàn nắm giữ cổ phần chi phối (Công ty CP Sợi Phú Bài, Công ty CP Dệt may Huế và Nhà máy Sợi Phú Hưng). "Trong 9 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may đạt 126 triệu USD (dự kiến cả năm đạt 170 triệu USD), tổng thu đạt 3.219 tỷ đồng (cả năm 4.380 tỷ đồng), nộp ngân sách Nhà nước đạt 54 tỷ đồng (cả năm 67 tỷ đồng). Đặc biệt, các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho gần 7.400 lao động trong tỉnh, với thu nhập bình quân 5,3 triệu đồng/người/tháng, riêng các doanh nghiệp do tập đoàn chi phối có mức thu nhập 6,3 triệu đồng/người/tháng...", ông Trường cho biết thêm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn Thừa Thiên Huế vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Thay mặt các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may đề xuất tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm hơn nữa đến sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ lãi suất, giảm thuế đất... nhằm hướng tới mục tiêu phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm về sợi, dệt may lớn của cả nước.
Sau khi nghe báo cáo cũng như những kiến nghị đề xuất từ Tập đoàn Dệt may, Bí thư tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh: Chúng tôi cam kết chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp. Những kiến nghị của doanh nghiệp dệt may sẽ được tập trung tháo gỡ trong thời gian tới. Đặc biệt, Ban quản lý các Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh cần chú ý những kiến nghị của tập đoàn, đó là phải chú trọng hơn nữa trong việc hoàn thiện hạ tầng ngoài hàng rào, kiểm soát giá thuê đất của các nhà đầu tư hạ tầng tại các KCN. Đồng thời qua đó, chỉ đạo các đơn vị liên quan cần giải quyết ngay để thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, trong đó chú trọng đến Tập đoàn Dệt may Việt Nam vì đây là nhà đầu tư tiềm năng.
Bí thư Lê Trường Lưu cũng lưu ý Tập đoàn Dệt may là trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải gắn với công tác xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh thực hiện xây dựng chương trình nhà ở cho công nhân, tạo quan hệ gắn kết giữa lao động và người sử dụng lao động.