Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 15/10/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra trên đàn lợn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh. Tổng số lợn mắc bệnh đã tiêu hủy là 69,2 nghìn con với tổng trọng lượng khoảng 4.088 tấn. Hiện có 26 xã thuộc 6 huyện có dịch đã qua 30 ngày nhưng không phát sinh thêm ổ dịch mới và có 30 xã thuộc 7 huyện đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.
So với thị trường cả nước, giá thịt lợn tại Thừa Thiên Huế tăng nhẹ, nhưng sức mua giảm 30% so với trước đây |
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Thừa Thiên Huế - cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế mỗi ngày tiêu thụ từ 1.800-2.000 con lợn, từ 36 lò mổ, trong đó lợn địa phương đáp ứng hơn 70%, số còn lại được các đơn vị mua từ phía nam. Trước diễn biến phức tạp của thị trường, các doanh nghiệp, trang trại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị rất kỹ về nguồn cung, nắm rõ thị trường, có kế hoạch dự trữ.
"Đến nay, tổng đàn lợn tại địa phương còn khoảng 130.000 ngàn con, lợn nái sinh sản 18.000 ngàn con. Đây là số lợn của 17 trang trại lớn (cung ứng khoảng 30% lợn tiêu thụ) và hàng trăm trang trại nhỏ do chưa ảnh hưởng của dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi", ông Hưng cho biết thêm.
Giá thịt lợn quay sẵn có giá tăng hơn 30%, từ 150.000 lên 200.000/kg |
Cũng theo ông Hưng, các trang trại lớn chưa ảnh hưởng bệnh dịch tả lợn châu Phi thì tỷ lệ tái đàn rất nhanh, họ chăn nuôi theo hình thức khép kín từ sản xuất con giống đến lợn thịt ra thị trường. Hiện nay, có nhiều trang trại nuôi đến 2.500 lợn nái, có trang trại nuôi từ 8.000 - 10.000 lợn thịt. Do vậy, nguồn cung thịt lợn từ giờ đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý sẽ đáp ứng khoảng 75% mức tiêu thụ, thiếu khoảng 25% nguồn cung.
Trước tình trạng thịt lợn tăng cao, ông Hưng cho biết, các đoàn thể, mặt trận, đặc biệt là hội phụ nữ nên vận động người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thịt gà thay thịt lợn, nếu người dân giảm ăn thịt lợn thì sẽ cân đối được thị trường.
Ông Hồ Đức Bình - Trưởng trạm dịch vụ giết mổ gia súc, Công ty CP phát triển thủy sản Thừa Thiên Huế - cho biết, mỗi ngày lò mổ (chợ đầu mối Bãi Dâu - TP.Huế) cung cấp khoảng 550 - 600 con lợn ra thị trường, giảm 30% so với trước đây. Đây là nguồn lợn mua chủ yếu từ các tỉnh phía nam (chiếm 80%). Giá thu mua lợn hơi hiện nay từ 70.000 - 80.000/kg, giá tăng cao nhưng sức mua giảm so với trước. Giá lợn móc hàm bán cho thương lái từ 90.000 - 95.000/kg, thịt lợn loại tốt 110.000 - 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lợn ngày càng khan dần, giá ngày càng cao nên mức tiêu thụ giảm bớt, nguy cơ Tết này không có heo mua để bán.
Tại chợ Đông Ba, giá thịt lợn tăng nhẹ, giao động từ 90.000-120.000/kg, sức mua giảm so với trước đây. Chị Nguyễn Thị Phương Trang (sạp bán thịt lợn tại chợ Đông Ba) cho biết, ở đây các sạp toàn bán thịt lợn sỉ, giá có đắt hơn trước, nhưng không cao lắm, nếu có cao thì chỉ có các chợ lẻ ở ngoài, nhưng giá thịt lợn ở Huế vẫn chưa cao so với cả nước. Nếu bán cao người dân không ăn, bán lời ít cũng phải bán. Riêng thịt lợn quay sẵn có giá tăng cao từ 150.000 đồng/kg trước đây thì nay giá tăng lên 200.000 đồng/kg.
Theo đại diện Big C Huế, so với giá ngoài trị trường thì giá thịt lợn tại Big C vẫn rẻ hơn từ 10-15%. Đặc biệt, do năm nay giá thịt lợn tăng cao, nguồn cung thiếu nên không có chương trình bình ổn giá cho sản phẩm thịt lợn như mọi năm, bởi nhà cung cấp không đủ số lượng giao. Kế hoạch của Big C Huế trong thời gian tới là sẽ bán hàng thịt heo đông lạnh nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung (giá tầm 190.000 - 200.000 đồng/kg).