Thừa Thiên Huế: Nguyên nhân nào khiến ngành công nghiệp chủ lực bị sụt giảm?
Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông tin tình hình kinh tế tỉnh 5 tháng đầu năm 2023. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng tháng 5 tăng 5,7% so với tháng 4 và tăng 1,4% so với cùng kỳ. Tuy vậy, hoạt động sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như dệt may, xi măng, dăm gỗ, sản xuất điện… đều giảm.
Ngành dệt may Thừa Thiên Huế gặp khó khi các đối tác cắt giảm đơn hàng, doanh số xuất khẩu sụt giảm |
Đâu là nguyên nhân?.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu tỉnh Thừa Thiên Huế ước đạt 421,6 triệu USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh giảm sâu tập trung chủ yếu ở nhóm hàng may mặc giảm 16,7%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 36,2%.
Theo khảo sát và tìm hiểu thông tin hoạt động sản xuất công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua, có thể tạm chia nguyên nhân của sự sụt giảm này thành 2 nhóm chính: Nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Về khách quan, các doanh nghiệp sản xuất các ngành công nghiệp chủ lực, xuất khẩu của tỉnh Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng chung của khó khăn thế giới (căng thẳng Nga và Ukraine, lạm phát tăng cao…), khó khăn trong nước (hậu Covid – 19, các chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất). Bên cạnh đó, hàng dệt may tại Thừa Thiên Huế chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ nên ảnh hưởng rõ nét nhất. Do vậy, các doanh nghiệp dệt may tại Thừa Thiên Huế thiếu đơn hàng trầm trọng nên phải cắt giảm lao động và hoạt động cầm chừng.
Tương tự đối với ngành gỗ, các mặt hàng xuất khẩu gỗ tại Thừa Thiên Huế chủ yếu là dăm gỗ và gỗ trang trí ngoài trời. Tuy nhiên, do sức tiêu thụ thị trường ngành giấy trên thế giới giảm mạnh, các đối tác tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Trung Quốc... đang tạm dừng nhập khẩu hoặc hạ giá sản phẩm, các doanh nghiệp tồn kho sản phẩm rất lớn nên phải cắt giảm sản xuất chờ tiêu thụ sản phẩm.
Một khó khăn khác mà các doanh nghiệp xuất khẩu tại Thừa Thiên Huế gặp phải đó là hiện các nước Châu Âu thực hiện quy chế đơn hàng “xanh”. Vấn đề này liên quan đến một số tiêu chí “xanh” như sử dụng năng lượng trong sản xuất, lao động, nguyên vật liệu… hay còn gọi là kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, tại Thừa Thiên Huế chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên các doanh nghiệp này chậm đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí đó, nên cũng ảnh hưởng lớn đến việc xuất hàng đến thị trường các nước này.
Về chủ quan: Đa số các doanh nghiệp của tỉnh quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu… và còn nhiều hạn chế trong việc kết nối, hợp tác, tìm kiếm đầu ra cho đơn hàng, nhất là chưa chủ động thích ứng được với biến động, khả năng chống chịu với các sự cố thấp. Tuy nhiên, có một vài doanh nghiệp họ tiên phong, chủ động tìm kiếm bạn hàng, đối tác và dự đoán trước tình hình thị trường trên thế giới, không lệ thuộc vào thị trường truyền thống nên khi gặp sự cố thì đầu ra sản phẩm tương đối ổn định, điển hình như Công ty cổ phần dệt may Huế.
Doanh nghiệp phải làm gì?
Đối với nguyên nhân khách quan, tình hình sản xuất công nghiệp nói chung và các mặt hàng xuất khẩu nói riêng đang gặp khó khăn không chỉ ở một địa phương, một đất nước, khu vực mà ảnh hưởng chung trên toàn thế giới. Theo đánh giá những người làm thị trường của các công ty dệt may, thì “bức tranh” này sẽ còn ảm đạm, chưa thể “khởi sắc” do tình hình thế giới còn nhiều bất ổn.
Đối với nguyên nhân chủ quan, bản thân doanh nghiệp chính là chủ thể và chủ động thích ứng, đổi mới là chìa khóa để gỡ bỏ nguyên nhân này. Đây cũng mới chính là yếu tố quyết định đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Trong đó, bản thân doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại sản xuất, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, mang tính tự động hoá cao, chủ động tìm kiếm thị trường, tận dụng thị trường ký kết các Hiệp định thương mại (FTA) hay đẩy mạnh tiếp cận thị trường trong nước chẳng hạn. Đồng thời tăng cường liên kết, tham gia các kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm tại triển lãm trong nước quốc tế…
Theo nhận định, các mặt hàng xuất khẩu từ gỗ vẫn chưa "khởi sắc" trong thời gian tới |
Năm 2023 được nhận định là một năm nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế thế giới khi các quốc gia lớn đều phải đối mặt với lạm phát tăng cao, rủi ro tài chính hiện hữu. Ở trong nước, sự chững lại thấy rõ của tiêu dùng trong tháng 4 và tháng 5/2023 cũng dự báo doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng 4/2023 đã lần lượt hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam so với cuối cuối năm 2022 (IMF dự báo GDP Việt Nam tăng 5,8%, giảm 0,4% so với dự báo hồi cuối năm 2022; WB dự báo GDP Việt Nam tăng 6,3%, giảm 0,4% so với dự báo hồi cuối năm 2022.
Đây là khó khăn chung, giai đoạn chuyển tiếp hậu Covid – 19 sang phục hồi, phát triển kinh tế. Vì vậy, doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, doanh nghiệp các ngành công nghiệp chủ lực nói riêng cần chủ động thích ứng….
Trước những khó khăn, thách thức lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cam kết sẽ đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp tỉnh khôi phục lại đà sản xuất. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị các Sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp. Phải đảm bảo ổn định sản xuất, đặc biệt là các cơ sở sản xuất may mặc khó khăn liên quan đến nguồn đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm; các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như xi măng, dăm gỗ…
Tốc độ tăng trưởng GRDP Quý I/2023 Thừa Thiên Huế ước đạt 6,61%, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước 3,32; dự báo GRDP Quý II tiếp tục có tốc độ tăng trưởng khá, ước đạt 7,5 - 8,5%. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã cấp mới 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.038 tỷ đồng (trong đó 5 dự án FDI với vốn đăng ký 28,5 triệu USD).