Thừa Thiên Huế phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may
Ông Lê Thanh Liêm - Phó giám đốc Công ty May Vinatex Hương Trà - cho biết: “Được tiếng là DN lớn nhưng thực chất công ty cũng chỉ hoạt động dưới hình thức gia công cho các đối tác ở châu Âu, Mỹ, Canada…; 100% nguyên phụ liệu do đối tác cung cấp”. Vì vậy, theo ông Liêm, muốn hình thành các nhà máy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) dệt may đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu tại chỗ, cần kêu gọi các tập đoàn lớn từ Mỹ, Hàn Quốc, Canada để sản xuất nguyên phụ liệu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tác.
Tương tự, ông Trần Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Scavi Huế - cho rằng: Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký kết, các DN dệt may phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc các nước thành viên mới được hưởng ưu đãi từ TPP, nên việc kêu gọi các DN nước ngoài đặt nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam phải là mục tiêu hàng đầu.
Nhằm đưa lĩnh vực dệt may phát triển theo hướng bền vững và đảm bảo đủ nguyên phụ liệu sản xuất cho các DN, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Ban điều phối Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung triển khai đề án Phát triển khu CNHT ngành dệt may tại Thừa Thiên Huế với diện tích khoảng 400 ha, tại KCN Phong Điền.
Đánh giá cao đề án, nhiều DN khẳng định, sẽ khảo sát và đầu tư nhà máy CNHT ngành may tại KCN Phong Điền như: Công ty Huayan, Công ty Freetex Elastic (Thái Lan)... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển CNHT ngành dệt may, trước mắt các DN phải chuyển từ hình thức gia công sang làm hàng FOB và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm) hay OMB (sản xuất nhãn hiệu gốc).
Bên cạnh đó, nhiều DN cho rằng, để sản xuất nguyên phụ liệu theo quy trình khép kín đòi hỏi phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại, đảm bảo môi trường và kinh phí cho dự án này là không nhỏ. Vì vậy, địa phương cần quan tâm xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải tại các KCN, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Trước những đề xuất này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao khẳng định: Tỉnh đang tập trung xây dựng và phát triển CNHT ngành dệt may, trong đó đẩy mạnh đầu tư hạ tầng KCN, hệ thống xử lý nước thải. Đồng thời sẽ tạo điều kiện tối đa để các DN đầu tư dự án sản xuất trên địa bàn. |