CôngThương - Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái được áp dụng những cơ chế, chính sách thí điểm đầu tiên của cả nước từ năm 1996. Nhờ đó đã đưa Móng Cái từ một huyện vùng sâu, vùng xa, khó khăn trở thành 1 trong 4 thành phố cấp tỉnh, đồng thời là 1 trong 2 khu vực tập trung buôn bán thương mại, xuất nhập khẩu sầm uất, năng động nhất của Quảng Ninh. Tuy nhiên, so với Đông Hưng (Quảng Tây), Móng Cái chưa tương xứng về trang thiết bị quản lý tại cửa khẩu, kho tàng, bến bãi, hệ thống giao thông vận tải… Đặc biệt, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại biên giới chưa thực sự đồng bộ, kịp thời và thiếu sự linh hoạt. Đây chính là những tồn tại kìm hãm sự phát triển thương mại biên giới tại Móng Cái
Từ những bất cập trên, bà Nguyễn Thị Phong Lam- đại diện Vụ thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương)- nhìn nhận: Công tác quản lý và điều hành thương mại biên giới của Việt Nam chưa phát huy tối đa những ưu thế của hoạt động biên mậu, dịch vụ biên mậu cũng chưa được quan tâm phát triển…
Giai đoạn từ năm 2006 - 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu, mua - bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới Việt - Trung tăng với tốc độ trung bình 23%/năm, chiếm 31% trong tổng kim ngạch hai chiều. |
Trong khi đó, Quảng Tây đã có kế hoạch chuyển đổi, nâng cấp thương mại biên giới lên tầm cao mới, cụ thể như: Đẩy nhanh tốc độ xây dựng vành đai kinh tế mở ven biển, phát triển hệ thống thị trường ở vùng biên, xây dựng khu thí điểm về mở cửa… “Quảng Tây sẽ xây dựng những thị trường trọng điểm, chuyên nghiệp, kết hợp cả nội và ngoại thương, hướng đến thị trường ASEAN, từ đó xây dựng mô hình“thị trường lớn, lưu thông lớn và thương mại lớn”, nhằm thúc đẩy hơn nữa khả năng lưu thông hàng hóa biên mậu” - bà Vi Triều Huy, Phó trưởng ty Thương vụ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - khẳng định.
Xác định hoạt động thương mại biên giới Việt – Trung chính là động lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại, dịch vụ, tháng 10/2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ về việc xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Đây được xem là tín hiệu tích cực để Đề án xây dựng hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái – Đông Hưng sớm được triển khai, góp phần nâng kim ngạch hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt 60 tỷ USD vào năm 2015, 100 tỷ USD vào năm 2017.
Để phát triển xứng với tiềm năng hiện có của thương mại biên giới Móng Cái nói riêng và các tỉnh có biên giới nói chung, mới đây tại Hội thảo Thúc đẩy phát triển thương mại - du lịch biên giới Móng Cái - Đông Hưng, bên cạnh đề xuất phân cấp/ủy quyền quản lý, điều hành mạnh hơn cho các tỉnh biên giới; đầu tư kinh phí nâng cấp kết cấu hạ tầng biên giới… Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy kiến nghị: Nhóm biên giới Việt Nam – Trung Quốc sớm nghiên cứu ký kết Hiệp định thương mại hàng hóa và dịch vụ qua biên giới thay thế cho Hiệp định Việt - Trung năm 1998 về mua - bán hàng hóa qua biên giới. “Hoạt động này cần được thúc đẩy nhanh để phù hợp với thực tiễn, bởi lẽ nhiều năm nay, thương mại biên giới không chỉ dừng lại ở mua - bán hàng hóa mà việc trao đổi dịch vụ cũng đang rất phát triển”- ông Thủy nhấn mạnh.