Khoá họp lần thứ III Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - CH Séc về hợp tác kinh tế.
CôngThương - Đoàn đại biểu UBLCP Việt Nam do bà Hồ Thị Kim Thoa- Thứ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn cùng với 17 thành viên đại diện cho 8 bộ ngành (Công Thương, Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Xây dựng, Quốc phòng, Thông tin-Truyền thông). Tham dự các hoạt động của đoàn còn có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Đỗ Xuân Đông, các cán bộ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh và 14 cán bộ thuộc các doanh nghiệp Việt Nam.
Đoàn đại biểu UBLCP Cộng hòa Séc do ông Milan Hovorka - Thứ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn và 17 quan chức đại diện các bộ ngành Séc và 12 cán bộ thuộc các doanh nghiệp Séc.
Phiên họp chính thức tập trung vào 3 nhóm nội dung chủ yếu: thông báo tình hình tổng quát về phát triển kinh tế của mỗi nước, đánh giá tình hình hợp tác kinh tế nói chung giữa hai nước và tình hình triển khai thực hiện các nội dung đã được đề ra tại Biên bản Khóa họp UBLCP lần II tổ chức vào tháng 9/2010 tại Hà Nội, thảo luận về định hướng và các biện pháp thúc đẩy tăng cường các lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam và CH Séc.
Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã thông báo với phía Séc một số nét về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. Thực hiện chính sách đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, hiện nay Việt Nam đã trở thành một bộ phận năng động của nền kinh tế thế giới. Năm 2011, mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi của suy thoái kinh tế toàn cầu, GDP của Việt Nam vẫn tăng 5,9% so với năm 2010, đạt 122 tỷ USD với mức thu nhập bình quân hơn 1.300 USD/người, công nghiệp có tốc độ tăng trưởng trên 14%… Trong đó về lĩnh vực thương mại xuất nhập khẩu, hơn 20 năm qua, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 36 lần. Nếu tính trong 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu đã tăng gấp 6,5 lần từ 15 tỷ USD năm 2001 lên 96,9 tỷ USD năm 2011 (năm 2011, có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD).Việt Nam hiện đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt tiêu đen, hạt điều, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê và đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu cao su thiên nhiên, dệt may, thủy sản. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng rất khả quan, từ năm 1991 đến 2011, tổng số vốn đăng ký của các dự án FDI vào Việt Nam đạt 207,6 tỷ USD, với 13.300 dự án đến từ 92 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, Việt Nam đang tập trung thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn này khoảng 6,5 - 7%/năm.
Thứ trưởng cũng cho biết, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2011 đạt 219,7 triệu USD, tăng trưởng trên 22%, trong đó xuất khẩu của CH Séc vào Việt Nam đạt 36,5 triệu USD và xuất khẩu của Việt Nam vào CH Séc đạt 183,2 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm 2012, trị giá trao đổi hàng hoá giữa hai nước đạt 75,1 triệu USD, tăng 28% so cùng kỳ năm 2011.
Với tốc độ tăng trưởng giá trị trao đổi thương mại cao liên tục, hiện nay CH Séc là một trong những bạn hàng quan trọng nhất của Việt Nam trong khu vực Trung và Đông Âu.
Trong lĩnh vực đầu tư, đến nay, CH Séc có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký là hơn 56 triệu USD, tập trung vào các các dự án thuỷ tinh pha lê, bia, thiết bị điện, chế biến, cao lanh, vật liệu xây dựng. Việt Nam cũng đánh giá cao về sự giúp đỡ có hiệu quả của Chính phủ Séc trong việc cải tạo, nâng cấp và hiện đại hóa bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp Hải Phòng cũng như các dự án hợp tác về lĩnh vực khai khoáng, quốc phòng, y tế và bệnh viện ... mà các doanh nghiệp Séc và Việt Nam đang quan tâm. Đầu tư của Việt Nam sang Séc có 4 dự án đăng ký với tổng số vốn 5,3 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng.
Năm ngoái Bộ Công Thương Việt Nam đã công bố chủ trương đưa CH Séc vào danh mục các thị trường tiềm năng, tham gia Chương trình Xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia từ năm 2011 và các năm về sau.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh:quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước đang ngày càng được củng cố và phát triển, cùng với việc trao đổi nhiều đoàn cấp cao trong thời gian vừa qua đã tạo đà phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Tuy nhiên, trên thực tế, mức độ trao đổi xuất nhập khẩu thương mại và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và CH Séc còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên. Giá trị tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều và hợp tác đầu tư công nghiệp còn hạn chế, chưa phản ánh được tiềm năng hợp tác kinh tế to lớn và môi trường hợp tác thuận lợi do cả hai bên đã cùng phối hợp tạo ra.
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM tham gia Phiên họp toàn thể đã giới thiệu về tiềm năng thế mạnh của thành phố Hồ Chí Minh và chủ trương mời gọi đầu tư của Thành phố đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng Milan Hovorka đã thông báo với phía Việt Nam về tình hình phát triển khá ổn định của kinh tế CH Séc với nhiều kết quả khả quan, trong đó có những nét nổi bật như: GDP năm 2011 tăng được 1,7%, lạm phát giữ được ở mức thấp 1,9%, đồng nội tệ giữ được khá ổn định. Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công trầm trọng tại châu Âu, CH Séc vẫn duy trì được chương trình kiểm soát nợ công và là một trong số ít nước có tình trạng nợ công ít nhất EU. Trụ cột của kinh tế Séc vẫn là nền công nghiệp hướng xuất khẩu, nhiều lĩnh vực công nghệ cao đạt tiêu chuẩn EU, bên cạnh đó có thương mại dịch vụ phát triển và hội nhập sâu rộng vào EU. Đánh giá chung, phía Séc khẳng định tuy năm 2012 còn tiếp tục rất khó khăn, nhưng nền kinh tế Séc sẽ đứng vững chắc tuy tốc độ tăng trưởng sẽ thấp, và triển vọng sẽ tốt lên đáng kể đến năm 2013 trở về sau.
Ngài Thứ trưởng bày tỏ sự vui mừng về mối quan hệ hiện nay giữa hai nước không ngừng được phát triển và hoàn toàn thống nhất với những ý kiến mà bà Thứ trưởng-Trưởng đoàn Việt Nam đã nêu. Theo ngài Thứ trưởng, tiếp tục những kết quả đã đạt được của phiên họp UBLCP lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9 năm 2010, tại cuộc họp này, hai bên cần nhìn nhận một cách thực tế hơn về tiềm năng của mỗi nước, để trên cơ sởđó, định hướng những vấnđề hợp tác mang tính khả thi.
Ngài Milan Hovorka khẳng định Việt Nam là một trong 12 nước được đưa vào danh sách thị trường chủ chốt, ưu tiên về ngoại thương như đã được công bố trong Chiến lược phát triển xuất khẩu của CH Séc giai đoạn 2012-2020. Hy vọng rằng Uỷ ban liên Chính phủ của hai nước lần này sẽ góp phần đánh dấu một giai đoạn hợp tác thiết thực và hiệu quả nhằm tăng cường trao đổi thương mại, thúcđẩy hợp tác trong lĩnh vựcđầu tư và các lĩnh vực hợp tác khác mà hai bên quan tâm.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương CH Séc Hovorka cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa hai nước năm 2011 đạt 422 triệu USD, tăng trưởng 24,9% so với năm 2010, trong đó Séc xuất khẩu sang Việt Nam 45 triệu USD, Séc nhập khẩu từ Việt Nam 377 triệu USD. Lý giải về sự khác nhau giữa các con số thống kê của hai nước, Thứ trưởng cho rằng có thể có nhiều hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu vào EU nhưng đích đến cuối cùng là CH Séc lại chưa được đưa vào thống kê.
Phía Séc đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam trong việc thúc đẩy các đề xuất hợp tác và dự án đã được nêu tại Biên bản khóa họp UBLCP lần II, trong đó có dự án sản xuất kaolin tại Quảng Bình hiện đã ra sản phẩm cung cấp cho thị trường, dự án xi măng Phú Sơn Ninh Bình đang khẩn trương tiếp tục triển khai giai đoạn xây dựng cơ bản và tiếp nhận, lắp đặt thiết bị cũng như một số đề xuất hợp tác đang được hai bên trao đổi xúc tiến về lĩnh vực khai khoáng (trong đó có dự án thăm dò khai thác than đồng bằng sông Hồng, các chương trình hợp tác giữa Séc với Tập đoàn Than-Khoáng sản VN…), lĩnh vực bảo vệ môi trường (xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước thải sinh hoạt và công nghiệp, tái chế rác thải, sản xuất nhiệt và điện từ rác thải…), chuyển giao công nghệ cao, cung cấp trang thiết bị y tế bệnh viện… cũng như một vài cơ chế mà cả hai bên cần hợp tác cải tiến, bổ sung.
Trong bối cảnh quan hệ hai nước rất tốt đẹp như hiện nay, tiềm năng và cơ hội hợp tác thương mại giữa Việt Nam và CH Séc giai đoạn tới là rất to lớn. Các doanh nghiệp Séc đang có mong muốn được hợp tác cùng các đối tác phía Việt Nam tham gia vào các dự án cơ khí chế tạo, năng lượng, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, khai thác mỏ than tại vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Kao-lin tại Quảng Bình, các dự án về cung cấp thiết bị y tế và xây dựng bệnh viện , xử lý môi trường tại Việt Nam… Về phía CH Séc, Bộ Công Thương CH Séc sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp Séc và Việt Nam hợp tác trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, về nguồn vốn để thực hiện các dự án tại Việt Nam. Bộ Công Thương CH Séc khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp Séc và Việt Nam sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng xuất khẩu CH Séc cùng với bảo lãnh của Hãng bảo hiểm Egap CH Séc để thực hiện các dự án tại Việt Nam.
Hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam và Séc đang phát triển với nhịp độ cao và cùng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Điều đó đã tạo cơ hội thuận lợi cho phát triển hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
*Bộ trưởng Bộ Quốc phòng CH Séc Alexandr Vondra tiếp Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa
Chiều ngày 4/6/2012, tại trụ sở Bộ Quốc phòng CH Séc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Alexandr Vondra đã tiếp Thứ trưởng Bộ Công Thương- Trưởng đoàn Việt Nam Hồ Thị Kim Thoa. Tại buổi tiếp hai bên đã cùng trao đổi các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm và phía CH Séc có tiềm năng, thế mạnh và kinh nghiệm cũng như trình độ phát triển công nghệ cao.
Bộ trưởng Quốc phòng CH SécAlexandr Vondra chào mừng Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hồ Thị Kim Thoa tại trụ sở Bộ Quốc phòng CH Séc. Ảnh :(Oha) – mocr.army.cz
Tiễn sỹ Nguyễn Thăng Long
Tham tán Thương mại
Đại sứ quán VN tại Cộng hòa Séc