Hợp tác năng lượng, đặc biệt là lĩnh vực điện lực đã được Chính phủ 2 nước Việt Nam – Lào, triển khai từ rất sớm; 2 bộ chức năng là Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, qua đó đã mang lại hiệu quả thiết thực cho cả 2 bên.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đến Lào từ 5-8/4 cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, EVN đã ký kết 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện đầu tư tại Lào với tổng công suất khoảng 2.240 MW, thực hiện mua bán điện qua 5 tuyến đường dây đấu nối, trong đó (i) 8 dự án thuộc 8 PPA đã vận hành thương mại và thực hiện mua bán điện với tổng công suất là 806 MW, (ii) Còn lại 11 PPA/18 nhà máy chưa vào vận hành thương mại.
Đến thời điểm hiện nay, cụm nhà máy thuỷ điện Nậm Sum được đấu nối về TBA 220 kV Nông Cống (Thanh Hóa) qua đường dây 220 kV Nậm Sum – Nông Cống, phần trên lãnh thổ Lào dài 3 km, phần trên lãnh thổ Việt Nam dài khoảng 130 km. Đoạn trên lãnh thổ Việt Nam do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư. Mặc dù Nghị định 27/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 của Chính phủ đã được ban hành cho việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để làm đường tạm phục vụ thi công. Tuy nhiên còn nhiều thủ tục về phía 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đang gặp khó khăn và cần hoàn thiện để triển khai thi công, phấn đấu hoàn thành công trình trong quý III/2024.
EVN và chủ đầu tư các dự án điện tại Lào đã ký 5 PPA để mua bán điện từ 10 nhà máy với tổng công suất là 459 MW.
Trong đó 2 dự án Nậm Sum 3 (156 MW) và Nậm Sum 1A (50 MW), EVN đã có nhiều phiên họp với chủ đầu tư. Chủ đầu tư nỗ lực để hoàn thành vận hành thương mại tổ máy 1 của nhà máy vào tháng 04/2024 và 2 tổ máy còn lại trong tháng 6/2024, tuy nhiên tiến độ tổ máy 2 và tổ máy 3 còn nhiều rủi ro do việc vận chuyển thiết bị bị gián đoạn do xung đột trên biển đỏ. Các dự án còn lại với tổng công 1 suất 253 MW, bao gồm Nậm Sum 3A (45 MW), cụm Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Nâm Yeuang (84 MW) và Nam Neun 1 (124 MW) mặc dù tiến độ cam kết vận hành thương mại (VHTM) cả nhà máy theo PPA là trước năm 2025, nhưng do khách quan không kịp tiến độ VHTM năm 2025.
Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống |
Đối với Đường dây liên kết 220 kV Nậm Mô (Lào) – Tương Dương (Nghệ An, Việt Nam), để mua điện từ các nhà máy trong cụm NMTĐ Nậm Mô (Lào) đã hoàn thành đóng điện công trình toàn tuyến trong tháng 05/2023.
Thời gian qua, EVN và các Chủ đầu tư các dự án điện tại Lào đã ký 08 dự án/ 7PPA với tổng 300 MW, trong đó 3 dự án/3 PPA với tổng công suất 135 MW là NMTĐ Nậm San 3A và NMTĐ Nậm San 3B và NMTĐ Nậm Tai đã vận hành thương mại và bán điện cho EVN. Còn lại 5 dự án (tổng công suất 165 MW) chưa vận hành thương mại.
Các hợp đồng PPA nói trên đều chưa có hiệu lực do các chủ đầu tư và EVN chưa thỏa thuận về quy trình phối hợp vận hành, quy trình công bố sản lượng điện khả dụng. PPA cũng có quy định nếu các NMTĐ này vào vận hành thương mại sau năm 2025, giá điện dự án sẽ được 2 bên đàm phán thống nhất và phụ thuộc vào phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với Đường dây 220 kV Nậm Kông – Bờ Y đã đóng điện toàn tuyến trong tháng 05/2023. Đối với việc mua bán điện qua đường dây này, EVN đã ký 2 PPA/2 NMTĐ Nậm Kông 2 và NMTĐ Nậm Kông 3 với tổng công suất 120 MW. Cả 2 NMTĐ này đã vận hành thương mại trong tháng 05/2023.
Về Đường dây liên kết 220 kV Nậm E-Moun - Đăk Ooc, đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 220 kV Xekaman 3- Thạnh Mỹ (đã hoàn thành), tuyến đường dây 220kV trên địa phận Lào là 45 km, trên lãnh thổ Việt Nam là 16 km. EVN làm chủ đầu tư đoạn trên lãnh thổ Việt Nam, Ban QLDA Điện 2 làm quản lý A.
Đối với đường dây này, EVN đã ký PPA cho NMTĐ Nậm Emoun (129 MW) và NMTĐ Houay La Nge (60 MW), tổng công suất 189 MW. Hiện tại phía Việt Nam, Trạm cắt và đường dây 4 mạch vào đường dây đường dây 220 kV Xekaman 3 – Thạnh Mỹ dự kiến hoàn thành trong quý II/2024.
Đường dây 220 kV đoạn 2 mạch đấu nối từ 220 kV Nậm E-Moun (Lào) - Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), hiện tại EVN và chủ đầu tư vẫn đang nỗ lực để thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất rừng tự nhiên để làm đường tạm theo quy định tại Nghị định 27/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 trước khi triển khai thi công. Tiến độ dự kiến trong quý III/2024, tuy nhiên tiến độ còn nhiều rủi ro do đã vào giai đoạn mùa lũ tại tỉnh Quảng Nam.
Ở phía Lào, NMTĐ Nậm Emoun (129 MW) đã hoàn thành xây dựng và lắp đặt từ đầu năm 2023. Hiện tại đang thực hiện các thủ tục phục vụ đóng điện công trình sau khi đường dây hoàn thành.
Trong khi đó, NMTĐ Houay Lange (60 MW) cũng đã hoàn thành xây dựng, hiện tại đang lắp đặt các thiết bị phục vụ điều độ và vận hành nhà máy. Chủ đầu tư dự kiến sẵn sàng đóng điện nhà máy vào tháng 04/2024.
Đối với Đường dây liên kết 500 kV Monsoon (Lào) – Thạnh Mỹ (Việt Nam) mua điện từ nhà máy điện gió Monsoon (600 MW), tuyến đường dây 500 kV Monsoon – Thạnh Mỹ dài 71 km, trong đó 45 km trên lãnh thổ Việt Nam. EVN làm chủ đầu tư đoạn trên lãnh thổ Việt Nam. Hơp đồng PPA có hiệu lực ngày 10/3/2022.
Tiến độ phía Việt Nam: Để đảm bảo tiến độ EVN đã cam kết theo PPA, EVN đã thành lập Ban chỉ đạo các dự án lưới điện truyền tải công suất từ nhà máy điện Monsoon và lưới điện Quốc gia tại Quyết định số 289/QĐ-EVN ngày 07/4/2023. EVN đang nỗ lực để hoàn thành trong tháng 10/2024, đồng bộ với tiến độ hoàn thành của dự án.
Tiến độ phía Lào, dự kiến đóng điện đường dây 500 kV Monsoon – Thạnh Mỹ vào đầu tháng 01/2025. Hiện tại hai bên đang thực hiện các thủ tục để phục vụ đóng điện công trình đường dây 500 kV Monsoon – Thạnh Mỹ và thủ tục công nhận ngày vận hành thương mại của nhà máy.
Đối với khung giá nhập khẩu điện từ Lào, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương năm 2023 về việc tính toán khung giá phát điện nhập khẩu điện từ Lào từ ngày 01/01/2026, EVN đã giao EPTC phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia hoặc thuê tư vấn tính toán, xây dựng và đề xuất khung giá mua điện từ Lào từ 01/01/2026 cho các loại hình nguồn điện.
Đối với các dự án điện gió đấu nối về khu vực Quảng Trị, theo báo cáo của EVN, tính đến nay, tổng công suất các dự án gửi đề xuất bán điện cho EVN tại khu vực Quảng Trị đã lên tới 5.751 MW. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ tối đa của lưới điện khu vực giai đoạn trước khi có TBA 500 kV Lao Bảo (khoảng cuối năm 2027) khoảng 300 MW và tăng lên khoảng 2.500 MW sau khi TBA 500 kV Lao Bảo được đưa vào vận hành. Việc nhập khẩu, đàm phán vẫn đang được EVN thực hiện, báo cáo Bộ Công Thương.