“Thúc” doanh nghiệp cổ phần hóa lên sàn chứng khoán
Hội nghị phổ biến chính sách mới về cổ phần hóa |
Tổng hợp kết quả hoạt động của 350 DNNN sau CPH năm 2015 so với năm trước khi CPH cho thấy, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp này tăng 49%, nộp ngân sách Nhà nước tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%... Điều này khẳng định, CPH đã nâng cao rất nhiều hiệu quả hoạt động của DNNN, nâng cao trình độ quản trị cũng như tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực hiện tinh thần Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Quyết định 51/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng về đẩy mạnh CPH DNNN, phát triển thị trường chứng khoán, ngày 30/6/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 115/2016/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH của các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trong đó quy định: Khi các DNNN CPH thực hiện bán đấu giá cổ phần ra công chúng (IPO) qua sở giao dịch chứng khoán, phải đồng thời thực hiện việc đăng ký, lưu ký cổ phần ở Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch cổ phần (cổ phiếu) trên sàn giao dịch cổ phần các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM), khi đủ điều kiện thì niêm yết. Theo đó, hồ sơ, trình tự, thủ tục đấu giá cổ phần, đăng ký giao dịch cổ phần… trên sàn UPCoM cũng đã được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đơn giản hóa, rút ngắn thời gian khá nhiều, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tại hội nghị "Phổ biến chính sách mới về CPH DNNN gắn với phát triển thị trường chứng khoán” diễn ra ở Hà Nội ngày 15/12/2016, ông Hoàng Văn Thu - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Đến nay vẫn còn khoảng 400 DNNN đã CPH nhưng chưa đưa cổ phần lên giao dịch tập trung trên thị trường chứng khoán theo quy định. Sự chậm trễ này đã khiến cho việc giao dịch cổ phần của các nhà đầu tư mua cổ phần của doanh nghiệp gặp khó khăn, thiệt thòi, hoạt động đấu giá CPH DNNN kém hấp dẫn trong mắt của các nhà đầu tư.
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính): Tính đến tháng 11/2016, đã cổ phần hóa được 4.460 DNNN, số doanh nghiệp cần tiếp tục cổ phần hóa là 718. Cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để tái cơ cấu, cổ phần hóa các DNNN còn lại, trọng tâm là đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. |
Theo ông Thu, CPH gắn với phát triển thị trường chứng khoán là chính sách quan trọng trong tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020. Đây vừa là nhiệm vụ, song cũng chính là quyền lợi của các doanh nghiệp. Việc đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phần trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp sẽ tăng cường được sự giám sát của xã hội, của nhà đầu tư… đối với hoạt động của doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, phương thức quản trị, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của mình.
Để thực hiện nghiêm và hiệu quả chính sách CPH gắn với phát triển thị trường chứng khoán, ngày 1/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP Chính phủ đã bổ sung chế tài xử phạt vi phạm các quy định về niêm yết cổ phần, đăng ký giao dịch cổ phần trên thị trường chứng khoán. Theo đó, các doanh nghiệp sau khi CPH, bán đấu giá cổ phần qua sở giao dịch chứng khoán mà không đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phần; hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phần trên sàn chứng khoán không đúng thời hạn quy định sẽ bị phạt từ 10 triệu đồng đến 400 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.
Theo đại diện của HNX, ngay sau khi Nghị định 145 được Chính phủ ban hành, tình hình đăng ký giao dịch cổ phần trên sàn chứng khoán UPCoM đã có sự cải thiện rõ rệt. Trong 2 tháng cuối năm 2016, đã có thêm 50 doanh nghiệp thực hiện đăng ký giao dịch cổ phần, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM ở thời điểm hiện nay lên 387 doanh nghiệp.