Thực hiện trao quyền cho phụ nữ: Doanh nghiệp phát triển bền vững hơn
Lao động nữ vận hành thiết bị sản xuất tại Công ty Doximex |
Lồng ghép vào trách nhiệm xã hội
Doximex hiện có khoảng hơn 1.000 lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 77,6%. Nhiều năm qua, Doximex luôn coi việc sản xuất, kinh doanh phải đi đôi với bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, quấy rối tình dục tại nơi làm việc… Vì vậy, khi Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam phối hợp với Cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc triển khai chương trình thí điểm về thực hiện 7 nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, Doximex đã hưởng ứng và thực hiện bằng cách lồng ghép các nguyên tắc vào quá trình thực hiện trách nhiệm xã hội.
Chẳng hạn, với nguyên tắc lãnh đạo cấp cao của DN thực hiện bình đẳng giới, khi đưa ra các chính sách, những quy định nội bộ, Doximex đều hướng tới sự bình đẳng, tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong môi trường thân thiện và có cơ hội thăng tiến.
Với nguyên tắc đối xử công bằng nam - nữ, tôn trọng phụ nữ, Doximex coi sự tiến bộ của phụ nữ là một trong những mục tiêu phấn đấu để xây dựng DN văn hóa. Theo đó, lao động nữ được tạo điều kiện và cơ hội như nam giới để phát triển năng lực bản thân, được đãi ngộ và hưởng thụ các lợi ích phát triển của DN. Hiện tỷ lệ cán bộ cấp trưởng, phó phòng của Doximex chiếm tới 73% là nữ đảm nhiệm; các chức danh quản đốc, tổ trưởng sản xuất cũng có tới 66% là nữ.
7 nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ gồm: Lãnh đạo cấp cao DN thực hiện bình đẳng giới; đối xử bình đẳng nam - nữ trong công việc, tôn trọng, hỗ trợ phụ nữ; bảo đảm sức khỏe, an toàn và không bạo lực; khuyến khích giáo dục, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho phụ nữ; khuyến khích thực hiện bình đẳng giới thông qua các sáng kiến cộng đồng và các công cụ theo dõi; báo cáo tiến bộ trong công tác bình đẳng giới. |
Đối với nguyên tắc khuyến khích giáo dục, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho lao động nữ, Doximex luôn quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề, năng lực quản lý, lãnh đạo cho cả nữ và nam theo yêu cầu công việc hoặc khả năng phát triển bản thân, được phổ cập kiến thức để có thể vận dụng vào công việc chuyên môn và các kỹ năng xã hội…
Lợi ích thiết thực
Bà Trương Thị Thanh Hà khẳng định, việc thực hiện nghiêm túc những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ trong DN đã mang lại lợi ích thiết thực cả về khía cạnh kinh tế lẫn xã hội, góp phần quan trọng nâng cao uy tín, vị thế của Doximex với các đối tác. Nhờ vậy, uy tín và thương hiệu của Doximex ngày càng được khẳng định, lượng đơn hàng và đối tác luôn ổn định và tăng, giúp gia tăng doanh thu, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó còn góp phần đáng kể giảm các khoản chi phí về quản lý và rủi ro trong sản xuất, tạo môi trường làm việc, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng hàng hóa, giảm chi phí về bảo hiểm xã hội, tiền lương cho việc nghỉ ốm, nghỉ phép, góp phần tăng lợi nhuận cho công ty. “Ở khía cạnh xã hội, còn bảo đảm cho Doximex hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn tuân thủ tốt pháp luật của nhà nước, trong đó có bình đẳng giới. Môi trường làm việc tại Doximex bình đẳng, đoàn kết, tạo động lực cho người lao động tích cực hơn và gắn bó với công ty; tạo sự tự tin và nhận thức rõ, sâu sắc hơn về bình đẳng giới cho chị em phụ nữ…” - bà Thanh Hà khẳng định.