Thương mại điện tử: Rút ngắn khoảng cách mua và bán
- Hiện, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng TMĐT để quảng bá, xúc tiến xuất khẩu. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Đây là những tín hiệu tốt cho việc thúc đẩy kinh tế phát triển, khi nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã coi TMĐT là công cụ trợ giúp đắc lực để giảm chi phí trong hoạt động thương mại, quản lý sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường. 5 năm trở lại đây, các DN đã đầu tư khá lớn để hiện đại hóa các ứng dụng TMĐT nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trước các đối tác nước ngoài.
Nhưng thực tế, không ít DN vẫn e dè khi ứng dụng TMĐT vào hoạt động xuất khẩu?
Việt Nam là nước đang phát triển, do vậy, ứng dụng TMĐT hay các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới cũng cần phải có thời gian để nâng cao nhận thức của DN, người dân và hoàn thiện môi trường pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ.
Tôi cho rằng, có 5 nguyên nhân khiến các DN Việt Nam e dè khi ứng dụng TMĐT vào hoạt động xuất khẩu. Một là, lòng tin vào hiệu quả TMĐT chưa cao. Hai là, DN ít được tập huấn về TMĐT, không trải nghiệm thường xuyên nên còn e dè, đặc biệt là các công đoạn quan trọng như, quyết định đặt hàng trực tuyến hoặc thanh toán qua mạng. Ba là, thiếu dịch vụ tư vấn cho DN về đối tác kinh doanh, xác thực các đối tác có uy tín về xuất nhập khẩu, đặc biệt là các đối tác môi giới, đối tác mới, chất lượng hàng hóa, nghiệp vụ và phương thức giao dịch TMĐT an toàn. Bốn là, các văn bản pháp lý chưa thực sự hoàn thiện, cụ thể là các văn bản bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các giao dịch xuất nhập khẩu xuyên biên giới và các văn bản hướng dẫn sự khác biệt về phương thức kinh doanh, phương thức khiếu kiện xảy ra tranh chấp trong hoạt động thương mại nói chung, xuất nhập khẩu nói riêng. Năm là, thiếu các nhà cung cấp các dịch vụ TMĐT giá trị gia tăng, cụ thể là các công ty bán dịch vụ TMĐT cho DN để thu phí.
Có ý kiến cho rằng, TMĐT ở nước ta mới phát triển ở mức độ đơn giản, tức là mới chỉ dừng lại ở mức độ thông tin?
Ý kiến này không chính xác. Đến nay, nhiều cơ quan nhà nước và công ty thuộc các thành phần kinh tế trong nước đã cung cấp nhiều dịch vụ công và dịch vụ bán hàng trên mạng, thanh toán trực tuyến với các đối tác trong và ngoài nước rất hiệu quả. Ví dụ, hệ thống thanh toán liên ngân hàng, dịch vụ nộp thuế qua mạng, khai hải quan điện tử, cấp chứng nhận xuất xứ điện tử...
Theo ông, cách thức nào có thể giúp Việt Nam ứng dụng TMĐT tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu?
Để DN ứng dụng TMĐT tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu, hay nói cách khác là để khai thác hiệu quả tối đa vai trò cầu nối giữa người mua và người bán, các cơ quan nhà nước, hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ với DN trong việc phổ biến kiến thức, đào tạo những kỹ năng về hoạt động TMĐT cho cán bộ trực tiếp làm xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống các công ty làm dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu, hỗ trợ ứng dụng TMĐT, giúp DN giảm chi phí đầu tư vào hạ tầng TMĐT và nguồn nhân lực.
Xin cảm ơn ông!
Lan anh Thực hiện