Thương mại điện tử thúc đẩy ngành bán lẻ
Tin hoạt động 08/12/2016 16:39
Toàn cảnh Diễn đàn |
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam, tuy mới phát triển nhưng doanh thu của thương mại điện tử ở Việt Nam đã đạt 4,07 tỷ USD vào năm 2015, tăng gấp 5 lần so với năm 2012, trung bình tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử là hơn 30%/năm. Có 600.000 doanh nghiệp có pháp nhân, nhưng thực tế có 2,4 triệu đơn vị đang kinh doanh bán lẻ dịch vụ, có 400.000 đơn vị đã kinh doanh qua hình thức online. Với công nghệ thương mại di đông đã tạo ra sự chuyển hướng căn bản trong mối quan hệ tương tác giữa thương hiệu hàng hóa, người tiêu dùng và nhà bán lẻ.
“Như vậy, các doanh nghiệp đang dịch chuyển từ offline sang online rất nhanh. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã kinh doanh online 100% . Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại duy trì kinh doanh offline song song với online, hai loại hình này đan xen vào nhau. Đặc biệt các doanh nghiệp lớn đang phát triển thương mại điện tử bán lẻ rất nhanh”. Ông Hưng cho biết.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: “Sự ra đời của thương mại điện tử tạo nên cuộc chuyển hướng đầu tiên trong cách mua bán, cho phép người tiêu dùng có thể mua hàng ở bất cứ nơi đâu chỉ với chiếc máy tính có kết nối Internet. Điều này cho phép khách hàng vượt qua các ranh giới để tiếp cận thị trường toàn cầu”. Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thực tế, chỉ với một thiết bị di động thông minh, khách hàng như được bước vào một cửa hiệu, tìm kiếm sản phẩm, so sánh giá cả và tính chất cùng chất lượng món hàng giữa những thương hiệu khác nhau, rồi chọn mặt hàng, trả tiền hóa đơn và ra về với món hàng ưng ý. Công nghệ di động đã hỗ trợ người tiêu dùng thực hiện tất cả các việc đó một cách nhanh chóng và đơn giản ngay tại cửa hàng trên phố hay trong các cửa hàng ảo trên mạng Internet.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam dự báo, khoa học công nghệ luôn phát triển cho phép các nhà bán lẻ mở rộng tầm hoạt động (không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa mà còn vươn ra quốc tế), hoạt động đa kênh (online/offline) chứ không còn việc bán lẻ đơn kênh để tăng cơ hội kết nối với khách hàng.
Như kênh bán lẻ trực tuyến (online) nổi tiếng Amazon.com đã có các cửa hàng bán lẻ trực tiếp và từ 1/1/2017 dự kiến sẽ phổ cập các cửa hàng Amazon Go (người mua hàng tại cửa hàng thanh toán bằng quẹt thẻ, không cần xếp hàng thanh toán như các cửa hàng truyền thống).
Cùng với đó, điện thoại di động sẽ đóng góp to lớn và phổ biến hơn trong hoạt động mua – bán lẻ. “Nhiều nhà bán lẻ sẽ chọn giải pháp dựa vào điện toán đám mây, mua sắm qua mạng xã hội…” - bà Loan khẳng định.
Cũng theo thống kê từ các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam cho thấy các nhà bán lẻ đang cố gắng thích nghi với khuynh hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động. Không chỉ tích cực giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, các chương trình khuyến mại trên môi trường mua sắm di động, các doanh nghiệp bán lẻ còn đầu tư thiết kế các ứng dụng di động riêng cho thương hiệu của mình.
Ông Phạm Thành Công, Trưởng phòng cấp cao của Công ty Nielsen cho hay: Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy việc áp dụng thương mại di động không chỉ tạo ra ảnh hưởng to lớn cho việc giới thiệu thương hiệu ra bên ngoài mà còn làm gia tăng năng suất của nhân viên bên trong doanh nghiệp, giảm bớt mức hư hao tài sản, giảm thiểu chi phí vận hành.
Như vậy, cơ hội cho ngành bán lẻ qua thương mại điện tử là rất lớn. Kỳ vọng vào sự phát triển của thương mại điện tử trong thời gian tới, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: “Chính Phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thương mại điện tử bán lẻ đạt 10 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 50% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Đây là mục tiêu khá tham vọng nhưng chúng ta sẽ đạt được”.
Thứ trưởng cũng đề nghị, doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng này để hội nhập và phát triển, xây dựng kế hoạch, định hướng đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, trước hết là website và các chương trình giới thiệu trực tuyến.