Hiệu quả bước đầu
Vừa qua Sở Công Thương, Trung tâm đầu tư xúc tiến thương mại và du lịch tỉnh Nghệ An phối hợp với một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong nước hỗ trợ mở gian hàng cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm OCOP, nông sản, thủy sản trong tỉnh trên các sàn TMĐT như Tiki, Voso, Lazada, Shopee, Sendo, Alibaba, Sàn postmart.vn… với các sản phẩm như, mỳ rau củ, dược liệu, thực phẩm, hải sản đông lạnh… Ngoài ra, kênh bán hàng online của các chuỗi cửa hàng lớn tại Nghệ An cũng như trên cả nước như Vinmart, Vinmart +, siêu thị bigC; siêu thị MM Mega Market; các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng mini thực phẩm sạch… cũng có lượng giao dịch lớn.
Nhờ đó, nhiều đơn vị đã tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình, tiếp cận với các kênh phân phối lớn. Như tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, Công ty CP AnAn Agri đã đưa sản phẩm của mình lên sàn TMĐT ngay từ bước đầu khởi nghiệp.
Trên sàn giao dịch TMĐT Nghệ An có nhiều sản phẩm OCOP từ 3-5 sao do tỉnh kiểm duyệt, được quảng bá với đầy đủ các thông tin chi tiết về mẫu mã, giá niêm yết, xuất xứ, liên hệ nhà sản xuất. |
Chị Đặng Thị Tâm – Giám đốc công ty CP AnAn Agri cho biết: “Giai đoạn đầu khởi nghiệp chưa đủ kiến thức cũng như chưa có khả năng thu hút nhân sự đủ tốt để đưa lên sàn TMĐT, thì công ty chỉ bán hàng theo hình thức truyền thống. Sau khi thu hút đội ngũ có trình độ cao, thì công ty hướng vào sàn TMĐT. Thời điểm đó tất cả gần như phải “đâp đi xây mới” toàn bộ để mang sản phẩm lên sàn để bán on chứ không bán up như trước đây nữa. Qua các sàn như Shopee, Lazara thì DN được hỗ trợ qua lại khá ổn… DN đã hướng mục tiêu vào các sàn mà phải vào gian hàng Vip. Nhìn chung qua mấy đợt dịch vùa qua, từ doanh thu cho đến quảng bá thương hiệu thì DN đạt kết quả rất tốt. Nhất là ở Sài Gòn, rồi các tỉnh phía Nam và ngoài Bắc...lượng tiêu thụ tăng cao rõ rệt. Các sản phẩm chào bán qua sàn TMĐT đóng vai trò lớn, xây dựng hình ảnh doanh thu tốt, ổn định trên đó, doanh thu tăng thêm chứ không bớt….”.
“Nếu như trước đây doanh thu hàng tháng của công ty từ 200 đến 300 triệu thì trong đó 200 triệu là doanh thu từ TMĐT, số còn lại là bán hàng truyền thống và các kênh khác. Thì nay khi doanh thu trên 1 tỷ đồng, thì lượng hàng bán qua sàn lên đến trên 400 triệu như vậy mức tăng trưởng tăng đều và đúng lộ trình đặt ra, mặc dù dịch bệnh triền miên, nhưng công ty chỉ chậm hơn kế hoạch 1 tháng (nếu không có dịch Covid)…” chị Tâm cho biết thêm.
Hay DN Biển Quỳnh ở huyện Quỳnh Lưu, là một trong nhưng đơn vị chuyên cung cấp hải sản đông lạnh lớn nhất ở Nghệ An, anh Nguyễn Văn Sang - Phó giám đốc công ty cho hay: "Ngay từ đầu, công ty đầu tư khá bài bản trên các sàn như Voso, Lazada, Shopee, Sendo… lượng hàng giao dịch qua các sàn hiện khá tốt, tuy không nhiều bằng kênh truyền thống, nhưng về lâu dài đây lại là cách mà DN hướng đến để qua đây có thể quảng bá rất tốt sản phẩm của DN không chỉ trong và còn ra tận ngoài biên giới Việt Nam…”.
Nhờ TMĐT mà những sản phẩm mỳ sợi từ rau củ của công ty CP AnAn Agri từng bước vươn ra thế giới. |
Với nhưng người trẻ việc tiếp cận với TMĐT là điều khá dễ dàng, tuy nhiên cũng có khá nhiều DN cũng còn đang "vướng" khi bước đầu tiếp cận. Chia sẻ về điều này, ông Phan Xuân Diện – Giám đốc Công ty CP Dược liệu Pù Mát huyện Con Cuông cũng chia sẻ, đến nay công ty đã có 7 sản phẩm đạt 4 sao OCOP của tỉnh. Nhiều năm qua công ty vẫn duy trì kênh bán hàng truyền thống như qua các đại lý, một số cửa hàng, trên facebook hay chào bán qua các hội chợ thương mại… mới đây do tình hình dịch bệnh kéo dài công ty cũng đã chuyển qua kênh bán hàng qua các sàn TMĐT như Voso, Lazada, Shopee, Sendo, Alibaba…
Tuy nhiên, cũng có nhiều cái “vướng’, ông Phan Xuân Diện cho hay “qua 2 năm đưa sản phẩm lên sàn TMĐT nhưng hiệu quả bán hàng còn hạn chế". Ông Diện dẫn chứng, mỗi tháng công ty chỉ bán được 1 thùng hàng (24 hộp) trong một tháng, trong đó mỗi hộp có giá 69 ngàn đồng, tuy nhiên để ‘cõng’ các loại phí thì doanh nghiệp này phải trả chi phí lên đến trên 1 trăm ngàn đồng mỗi hộp cho sàn Lazada. Còn đối với sàn Sendo, vỏ sò thì gần như không có tương tác. Trừ sàn Alibaba phải đóng phí mỗi năm 42 triệu đồng, phải thuê nhân viên bán thông thạo nhiều ngôn ngữ như Ấn Độ, tiếng Trung, Nhật… thì phải trả thêm 9 triệu đồng mỗi tháng…”.
Cũng theo ông Diện, ngoài Alibaba yêu cầu trả phí để duy trì gian hàng thì gần như các sàn của Việt Nam đều miễn phí việc đăng bán hàng, sau khi trừ chi phí vận chuyển, các sàn này chỉ thu phần trăm trên mỗi đơn hàng giao dịch thành công. Tuy nhiên, do thiếu tương tác, cùng với việc gặp phải sự cạnh tranh của hàng trăm mặt hàng cùng loại trong cùng chuyên mục nên đang rất khó.
Tuy nhiên, để phải thay đổi từ chính nội tại của DN, phải đầu tư từ yếu tố con người từ chạy quảng cáo, tư vấn tốt, chốt đơn bán hàng… Thế nhưng thời điểm hiện tại hầu hết DN ở địa phương tiếp cận TMĐT không phải yếu mà rất yếu nên khó đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. DN chỉ mong muốn có sự hỗ trợ từ phía chính quyền như ‘cầm tay chỉ việc’ về TMĐT về cách tiếp cận như thế nào cho hiệu quả. Bởi sau dịch, mua hàng trên TMĐT là xu hướng tất yếu, chính các DN phải chuyển mình theo sự thay đổi của xã hội, mới bắt kịp được nhu cầu của người tiêu dùng…”.
Tiếp tục mở rộng thương mại điện tử…
TMĐT đang là kênh hỗ trợ bán hàng, tiếp cận người tiêu dùng khá hiệu quả đối với các DN sản xuất ở Nghệ An, bởi những tiện ích mới, ưu thế hơn hẳn so với các kênh bán hàng truyền thống trước đây. Hiện nay TMĐT đã trở thành kênh phân phối triển vọng đối với DN và nông dân, đặc biệt trong thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, Nghệ An đã dành nhiều chương trình hỗ trợ nhằm giúp DN khai thác tốt hơn ở kênh phân phối này.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An, trên sàn giao dịch TMĐT Nghệ An () hiện có hơn 463 DN ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng. Giới thiệu và chào bán 3.681 sản phẩm và dịch vụ. Hiện tại, sàn giao dịch TMĐT Nghệ An có nhiều sản phẩm OCOP từ 3-4 sao do tỉnh kiểm duyệt, được quảng bá với đầy đủ các thông tin chi tiết về mẫu mã, giá niêm yết, xuất xứ, liên hệ nhà sản xuất... Nhiều thương hiệu đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách, như: Các loại mỳ rau củ, sản phẩm dược liệu, đến các thực phẩm như giò bê, tương, lạc, bánh đa, trám, nhút…..
Hàng hoá của các DN nhỏ trên gian hàng hàng trực tuyến ở bách hoá xanh. |
Sự cạnh tranh trên các sàn TMĐT là điều không tránh khỏi. Một điểm yếu cố hữu của các DN, nhà bán lẻ ở Nghệ An là chưa mạnh dạn đầu tư để xây dựng các chiến dịch marketing, quảng cáo. Bởi thực tế muốn bán tốt trên các sàn TMĐT như Shoppee, Lazada… thì phải có đội ngũ tương tác đủ kinh nghiệm, chưa kể DN, đại lý phải bỏ tiền chạy quảng cáo trên các nên tảng TMĐT để sản phẩm được lên Top của sàn mới được nhiều người biết đến.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Tổng hợp, Sở Công Thương Nghệ An vừa qua, Nghệ An đã triển khai thực hiện Kế hoạch Phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 và một số kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn Nghệ An năm 2021, 2022 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, mục tiêu là đến năm 2025 sẽ có 80% sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của Nghệ An tham gia các sàn giao dịch TMĐT trong và ngoài nước.
Hiện Sở Công Thương Nghệ An đang phối hợp với Cục TMĐT&KTS của Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan hỗ trợ các cá nhân, đơn vị đăng ký tham gia các sàn TMĐT trong và ngoài nước để kết nối, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cũng như đào tạo kiến thức, kỹ năng quảng bá, bán sản phẩm trực tuyến. Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với các ngành, địa phương lựa chọn các nhóm hộ sản xuất đủ điều kiện, có sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, các sản phẩm đạt các chứng chỉ, chứng nhận như OCOP, VietGAP, GlobalGAP... để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên sàn giao dịch TMĐT Nghệ An. Đồng thời hợp tác, chia sẻ, liên kết với các sàn uy tín trong và ngoài nước.
Sở Công Thương đã hỗ trợ địa phương trong việc đăng tải các sản phẩm lên sàn, sau đó sẽ chuyển giao tài khoản quản trị gian hàng cho các địa phương, đồng thời yêu cầu địa phương cử cán bộ phối hợp kết nối để quản trị, cập nhật thông tin, sản phẩm tại các gian hàng của huyện, thành, thị.
Trong thời gian tới, Sở cùng các các cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện các bước để đưa nhiều nông sản đặc sản của Nghệ An lên các sàn TMĐT hiện có. Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hướng dẫn người dân quy trình bán hàng trực tuyến, marketing, chăm sóc khách hàng qua các chợ online... Đồng thời, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ thông qua các kênh: tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản…
Song song với đưa các sản phẩm nông sản lên sàn, những năm qua Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ tổ chức, đơn vị xây dựng nhiều Website TMĐT chuyển giao hàng chục bộ phầm mềm quản lý khách hàng, quản lý bán hàng thông minh, tổ chức đào tạo, tập huấn cho hàng ngàn lượt học viên. “Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng Internet là môi trường bình đẳng, không phân biệt lớn bé, cá nhân hay tổ chức DN. Ai làm tốt hơn việc quảng cáo, marketing, tương tác hỗ trợ khách hàng, giá cả... thì bán được hàng. Sàn chỉ là phương tiện, yếu tố quyết định vẫn là con người” – bà Hiếu khẳng định.