CôngThương - Sự năng động, sáng tạo trong sản xuất- kinh doanh của các DN đã mang lại con số 59,2 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010. Trong đó, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 29,9 triệu USD, kinh tế tư nhân đạt 24,8 triệu USD và kinh tế nhà nước đạt 7,5 triệu USD.
Khó khăn về nguyên liệu chế biến đã làm cho nhiều DN xuất khẩu trên địa bàn gặp rất nhiều hạn chế. Tuy nhiên, “trong cái khó, ló cái khôn”, một số DN đã năng động giải được bài toán thiếu nguyên liệu. Trong đó, đặc biệt là các DN xuất khẩu hàng thủy sản.
Theo lãnh đạo một số công ty xuất khẩu thủy sản, nguồn nguyên liệu thu mua trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Nguyên nhân là do một số chủng loại nguyên liệu đánh bắt, nuôi trồng trên địa bàn không đáp ứng đủ số lượng, đặc biệt là nguyên liệu chế biến mực đông lạnh xuất khẩu. Vì vậy, các DN phải tìm hiểu thị trường và ký hợp đồng với các DN ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị, nhằm cung ứng đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Tương tự, nguyên liệu lâm sản trên địa bàn cũng chưa đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu các sản phẩm gỗ và dăm gỗ. Do đó, các DN có sản phẩm gỗ phục vụ xuất khẩu đều nhập nguyên liệu từ Lào, sau đó chế biến và xuất khẩu sang Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản…
Đối với HTX chế biến nông sản xuất khẩu Thành Sen, trước đây, do thu mua nguyên liệu ớt từ khắp nơi về chế biến nên chi phí vận chuyển cao, dẫn đến giá trị xuất khẩu thấp. Trước khó khăn này, HTX đã phối hợp với Liên minh các HTX Hà Tĩnh cùng các địa phương trong tỉnh tổ chức trồng trên 200 ha ớt cay, đáp ứng được phần nào nguyên liệu để chế biến xuất khẩu sang thị trường Đài Loan.
Ngoài nỗ lực, sáng tạo trong sản xuất, chế biến, tìm kiếm thị trường xuất khẩu của các DN thì sự quan tâm của UBND tỉnh Hà Tĩnh với những chính sách cởi mở đã góp phần không nhỏ cho các DN phát triển, nâng cao năng lực sản xuất. Đặc biệt là việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho DN vay vốn thực hiện xuất khẩu với dư nợ năm 2010 đạt hơn 25 tỷ đồng...
Đánh giá lại hoạt động xuất khẩu trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho rằng: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế. các DN xuất khẩu đều có quy mô vừa và nhỏ, tính cạnh tranh chưa cao; công tác quảng bá, xúc tiến thương mại chưa được các DN chú trọng; hệ thống cơ sở hạ tầng cơ sở phục vụ xuất khẩu như: cảng container, dịch vụ logistic, khu chế biến xuất khẩu tập trung chưa đáp ứng yêu cầu của DN...
Năm 2011, Hà Tĩnh phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 70 triệu USD- một mục tiêu không dễ nhất là trong bối cảnh nhiều mặt hàng đang lên giá. Để đạt được mục tiêu trên, Ban chỉ đạo về đề án xuất khẩu của tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án sản xuất sản phẩm hàng hóa xuất khẩu như: dự án Nhà máy lắp ráp ô tô, xe máy xuất khẩu tại khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo; hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu; triển khai thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi đã được ban hành, trong đó có chính sách hỗ trợ xuất khẩu đối với các doanh nghiệp XNK một cách có hiệu quả.