Thương mại Việt Nam - UAE tăng trưởng liên tục với tốc độ cao
Nhiều lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm, nông sản, dịch vụ khách sạn… đã được ký kết tại diễn đàn |
Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này của Hoàng thân Abdullah bin Zayed Al Nayhan có sự tham dự của lãnh đạo 14 tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu UAE, trong đó có những doanh nghiệp lớn, tên tuổi trên thế giới như: Dubal Holding - Tập đoàn đứng thứ tư thế giới về khai thác Bô-xít, hợp tác luyện và tinh chế nhôm, hay Lulu - chuỗi siêu thị phân phối thực phẩm, hàng tiêu dùng, tập đoàn Vault Investments chuyên về đầu tư bất động sản và thương mại… Phía Việt Nam cũng có sự tham dự của lãnh đạo 30 doanh nghiệp uy tín trong nước về các lĩnh vực thương mại, nông thủy sản…
Dù diễn ra trong thời gian khá ngắn, song tại diễn đàn các nhà quản lý, doanh nghiệp hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề về đầu tư, thương mại, trong đó cảng biển, siêu thị, phân phối hàng hóa, dầu khí, đầu tư bất động sản, luyện kim, nông nghiệp, thực phẩm, y tế… là lĩnh vực mà hai bên quan tâm nhất. Một số bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm, nông sản, dịch vụ khách sạn,… đã được hai bên ký kết ngay tại diễn đàn.
Theo Đại sứ Việt Nam tại các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất Phạm Bình Đàm, UAE là một trong những nền kinh tế lớn tại khu vực Trung Đông. Trong những năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và UAE liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, từ 20 - 30%/năm. Năm 2015, thương mại hai chiều đạt 6,2 tỷ USD. Nếu cộng thêm cả hàng hóa đi vào các khu vực kinh tế tự do thì kim ngạch song phương xấp xỉ 10 tỷ USD. Riêng nông sản và thủy sản là 250 triệu USD. Dự kiến trong năm 2016, thương mại giữa hai bên tiếp tục tăng trưởng khoảng 20 - 25%.
Hạ tầng là lĩnh vực UAE rất quan tâm, trong đó có năng lượng. Các nhà đầu tư của UAE đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng nhà máy điện năng lượng sạch. Đây cũng là lĩnh vực mà UAE đang đi tiên phong trong khu vực. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, các doanh nghiệp UAE mong muốn tìm kiếm các dự án xây dựng năng lượng mặt trời. Bất động sản, du lịch, nông sản, nông nghiệp cũng là thế mạnh và là mối quan tâm của các tập đoàn kinh tế UAE.
Đại sứ Phạm Bình Đàm nhấn mạnh, Diễn đàn lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam - UAE 2016 là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam và UAE thiết lập và tăng cường quan hệ, tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh vì lợi ích và sự phát triển chung của cả hai bên.
Dù nhìn thấy rõ tiềm năng hợp tác giữa hai bên, song Đại sứ Phạm Bình Đàm cũng lưu ý, do cả hai bên đều là thị trường mới của nhau nên doanh nghiệp cần có hiểu biết nhất định về văn hóa kinh doanh, môi trường pháp lý, cách thức làm việc của doanh nghiệp, nhà nước của mỗi bên. Đặc biệt, vấn đề an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp UAE. Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng cho khâu làm thị trường. Chúng tôi sẵn sàng bắc nhịp cầu hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tới thị trường UAE- Đại sứ Phạm Bình Đàm nhấn mạnh.
Đại sứ Việt Nam tại các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất Phạm Bình Đàm: Nếu chúng ta có được cơ chế một cửa để doanh nghiệp UAE có thể tìm hiểu, giải đáp những thắc mắc về đầu tư trong các lĩnh vực thủy sản, xây hạ tầng, bất động sản, du lịch… Và trả lời nhanh được những khúc mắc của doanh nghiệp: Có hay không? Bao giờ? Như thế nào?... thì chắc chắn Việt Nam sẽ thuận lợi để đón luồng đầu tư từ UAE. |