Bộ Công Thương: Nỗ lực hoàn thành cơ chế mua bán điện trực tiếp Nhiều lựa chọn cho khách hàng từ cơ chế mua bán điện trực tiếp |
Nhằm hoàn thiện khung khổ pháp luật lĩnh vực điện lực, trong đó có thị trường điện cạnh tranh theo hướng công khai, minh bạch; đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng điện lớn có thể chủ động mua bán điện từ các nhà máy điện, ngay từ năm 2020, Bộ Công Thương đã đề xuất, triển khai xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Cơ chế DPPA sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng điện mua điện trực tiếp từ các nhà máy (Ảnh minh hoạ) |
Theo đó, ngày 21/1/2020, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 544/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chương trình thí điểm cơ chế DPPA. Thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 710/TTg-CN ngày 11/6/2020, Bộ Công Thương đã xây dựng Thông tư quy định thực hiện thí điểm cơ chế DPPA và đăng lên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến góp ý theo đúng quy định.
Ngày 29/10/2021, Bộ Công Thương tiếp tục gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai xây dựng quy định thực hiện thí điểm cơ chế DPPA (Công văn số 94/BC-BCT). Ngày 11/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm cơ chế DPPA. Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Quyết định trên và đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến góp ý từ ngày 9/5/2022.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao về nghiên cứu xây dựng cơ chế DPPA tại các cuộc họp của Thường trực Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai nghiên cứu xây dựng cơ chế DPPA tại các Báo cáo số 105/BC-BCT ngày 25/7/2023, số 158/BC-BCT ngày 13/9/2023 và số 180/BC-BCT ngày 5/10/2023.
Ngày 29/12/2023, Bộ Công Thương có tờ trình 9329/TTr-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn. Trong đó đã nêu đầy đủ các cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để ban hành Nghị định cũng như mục đích, quan điểm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; mục tiêu, nội dung và giải pháp của chính sách.
Đồng thời Bộ cũng đã gửi báo cáo số 302/BC-BCT đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến đề nghị xây dựng Nghị định về DPPA làm cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Trong quá trình xây dựng Dự thảo cơ chế về DPPA, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, phân tích tính toán các phương án và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất các tiêu chí, mô hình phù hợp cho Việt Nam, đảm bảo tính khả thi vận hành hệ thống điện và phù hợp với thiết kế của thị trường điện tại Việt Nam.
Được biết, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn FDI lớn như Samsung, Apple, Heineken, Google, Nike… đã bày tỏ sự quan tâm ủng hộ với cơ chế DPPA và mong muốn Việt Nam sớm ban hành cơ chế này với kỳ vọng đat được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.