Thụy Điển sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đối mới sáng tạo với Việt Nam
Tin hoạt động 24/11/2017 16:36
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhận định, mức độ sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp do xuất phát điểm thấp và ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp, chuỗi sản xuất chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ. Vì vậy, Việt Nam xác định những giá trị chung cốt lõi để tập trung nguồn lực đẩy mạnh tác động tích cực của những giá trị này, mang lại lợi ích cho quốc gia.
Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam đề ra là đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực; đáp ứng cơ bản các nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.
Để tận dụng được tối đa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển, Thứ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác. Coi thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng ngành. Đặc biệt, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận sử dụng công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phát triển sản xuất công nghiệp cũng nhận được sự quan tâm rất lớn, Thứ trưởng Vượng cho hay.
Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg bày tỏ ấn tượng về kết quả phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Đại sứ cho biết, Thụy Điển được xem là một trong những quốc gia bền vững và sáng tạo nhất thế giới, xếp thứ hai tại chỉ số xếp hạng đổi mới toàn cầu. Các doanh nghiệp Thụy Điển có lịch sử lâu đời về việc cung cấp các giải pháp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất và ứng dụng công nghiệp. Thụy Điển sẵn sàng chia sẻ hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.
Được biết, đối với các thị trường có nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam, Thụy Điển đã xây dựng các quỹ và các tổ chức như Innovations against poverty/Sida, Swedfund, ALMI, Vinnova… để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thụy Điển trong ngành công nghiệp môi trường nhằm thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm công nghệ môi trường của Thụy Điển. Các đối tác của Việt Nam có thể nghiên cứu hợp tác, tận dụng lợi thế của các quỹ hợp tác này trong lĩnh vực công nghệ môi trường.
Chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện của các doanh nghiệp hàng đầu Thụy Điển trong lĩnh vực sản xuất như ABB, Hexagon, Atlas Copco…cũng đã thể hiện mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Các ý kiến đều cho rằng, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là chủ đề nóng của Việt Nam.
Tính đến hết năm 2016, Thụy Điển có 49 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đạt 130 triệu USD, xếp thứ 47 trong số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đến nay, các nhà đầu tư Thụy Điển đã đầu tư vào 7/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số lượng với 17 dự án, chiếm 27,7% tổng số vốn đầu tư đăng ký của Thụy Điển tại Việt Nam.
Về thương mại, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển không ngừng tăng trưởng. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại còn khiêm tốn và chưa khai thác hết tiềm năng song phương. Việt Nam vẫn luôn suất siêu sang thị trường này. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, năm 2016, trao đổi thương mại hai chiều đạt 1,2 tỷ USD; tính riêng trong 10 tháng/2017, con số này đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thụy Điển là giày dép, dệt may, hải sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, máy tính và linh kiện; còn Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là thiết bị viễn thông, máy móc thiết bị các loại và một số ít tân dược từ thị trường này.