CôngThương - Tính đến thời điểm này, chưa có lô hàng thủy sản nào của Việt Nam xuất khẩu (XK) sang thị trường Nhật Bản bị cảnh báo có chứa kháng sinh Enrofloxacin. Nhưng từ ngày 7/3/2011, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đã quyết định kiểm tra 30% số lô tôm nhập khẩu (NK) từ Việt Nam về chỉ tiêu kháng sinh Enrofloxacin do phát hiện chất này từ các lô hàng thủy sản xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan…
Enrofloxacin là chất kháng sinh có mặt trong các sản phẩm thuốc thú y NK từ Trung Quốc để trị bệnh nhiễm trùng cho gia súc, gia cầm. Trong thủy sản, Enrofloxacin được sử dụng để kiểm soát môi trường và phòng trị bệnh cho tôm.
Mới đây, VASEP đã nhận được danh sách các hóa chất, kháng sinh, phụ gia giới hạn sử dụng trong sản phẩm thủy sản của Nhật Bản, trong đó quy định mức giới hạn của Enrofloxacin dưới 0,1ppm. Tại Việt Nam, từ cách đây 1 năm, Bộ NN và PTNT cũng đã ban hành Thông tư số 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009 hướng dẫn Danh mục thuốc, hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng. Enrofloxacin nằm trong danh mục các hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong kinh doanh, sản xuất thủy sản với hàm lượng giới hạn là 0,1ppm.
Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm có chứa kháng sinh Enrofloxacin vẫn đang bị sử dụng tại các vùng nuôi nguyên liệu, thời gian tồn lưu của hoạt chất này trong tôm và môi trường sạch ít nhất 2 tuần kể từ khi ngừng sử dụng. Điều đáng lo ngại là do thói quen, người nuôi chỉ ngừng dùng thuốc khi chuẩn bị thu hoạch tôm nên khả năng tồn lưu chất này trong sản phẩm tôm khá cao, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm tôm.
Năm 2010, cả cơ quan quản lý nhà nước, DN và người nuôi đã nỗ lực kiểm soát Trifuralin trong nuôi trồng, kinh doanh, XK thủy sản. Nhưng theo thông tin cảnh báo mới nhất tại thị trường Nhật, trong 2 tháng đầu năm 2011, vẫn có đến 16 lô tôm của Việt Nam bị phát hiện nhiễm dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép (tháng 1/2011 có 11 lô; tháng 2/2011 có 5 lô), trong đó phần lớn là Trifluralin, Chloramphenicol… Điều này khiến hoạt động XK tôm Việt Nam sang thị trường Nhật Bản ngày tiếp tục khó khăn.
Để tránh tình trạng các lô tôm Việt Nam bị nhiễm Enrofloxacin và việc Nhật Bản nâng mức kiểm tra kháng sinh này lên 100% các lô hàng, các DN cần tiến hành kiểm soát chặt chẽ hơn kháng sinh Enrofloxacin tại nguồn nguyên liệu đầu vào, đồng thời khoanh vùng các lô sản phẩm nghi ngờ, cập nhật danh sách các chất cấm hoặc hạn chế sử dụng do thị trường NK ban hành để chủ động với các tình huống xảy ra.
Theo ý kiến đánh giá của một số chuyên gia, động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản khiến toàn bộ giao dịch kinh doanh thủy sản bị đứt quãng nên từ nay đến tháng 6, tình hình xuất khẩu thủy sản (nhất là sản phẩm tôm) có thể sẽ khó khăn hơn.
Theo phản ánh của các nhà XK thủy sản Nhật Bản, nhiều containơ hàng của họ chờ XK bị hỏng hoặc thất lạc do mất điện, ngập nước… Một số DN thủy sản Việt Nam cho rằng, hiện nay họ không thể liên lạc được với đối tác do toàn bộ hệ thống điện bị sự cố, hoạt động kinh doanh bị đảo lộn.
Nhiều nhà XK thủy sản Việt Nam lo lắng vì sắp tới tình hình XK sang thị trường này sẽ gặp nhiều trở ngại do nhu cầu thủy sản của người dân giảm. Giá các mặt hàng thủy sản cao cấp cũng giảm theo, khâu thanh toán có thể bị thay đổi. Hiện nay, hệ thống phân phối của các nhà NK Nhật Bản đang bị ảnh hưởng lớn và mất liên lạc.
Từ trước tới nay, Nhật Bản luôn là một trong những thị trường có những đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm nhưng cũng là đối tác “chung thủy” của các DN thủy sản Việt Nam, trả giá cao và sòng phẳng trong kinh doanh. Do đó, tại thời điểm này, các DN càng cần cẩn trọng hơn trong việc kiểm soát kháng sinh Enrofloxacin để giữ chữ “tín” cho các sản phẩm thủy sản XK của nước nhà.